EU và Nhật Bản liên tiếp cảnh báo về tình trạng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam có hàm lượng kháng sinh Oxytetracycline vượt mức cho phép. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung của Việt Nam. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (ảnh) về vấn đề này.
´Từ đầu năm tới nay, tôm xuất khẩu của Việt Nam liên tục bị cảnh báo về hàm lượng chất kháng sinh vượt quá quy định. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Những năm gần đây, hầu như năm nào tôm nuôi xuất khẩu của Việt Nam cũng bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh. Gần đây nhất là cảnh báo về dư lượng Oxytetracycline trong tôm.
Hiện nay, tại các thị trường nhập tôm của Việt Nam đang có sự cạnh tranh rất mạnh về chất lượng sản phẩm giữa các nước xuất khẩu. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các nước đưa ra rào cản thương mại, đưa mức tồn dư kháng sinh xuống quá thấp. Đây cũng là một rào cản kỹ thuật của các nước để hạn chế nhập khẩu tôm.
Về phía Việt Nam, việc kiểm soát chất lượng thức ăn thủy sản và quy trình nuôi tôm cũng chưa đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến dư lượng Oxytetracycline trong tôm ở mức vượt quá ngưỡng cho phép. Oxytetracycline không phải là chất cấm. Chất này được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nhưng phải nằm trong ngưỡng quy định. Trước khi thu hoạch, tôm nuôi phải chuyển sang dùng thức ăn khác, an toàn hơn và phải thải hết chất kháng sinh này để đảm bảo an toàn thực phẩm.
´Vậy đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc này, thưa ông?
Tất cả các bên đều phải có trách nhiệm. Trước hết là các cơ sở sản xuất thức ăn, người nuôi và doanh nghiệp thu mua và chế biến tôm. Thực tế, bản thân các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu tôm đều có phòng thí nghiệm, kiểm soát đầu vào nên họ phải chịu trách nhiệm khi xuất khẩu tôm có hàm lượng kháng sinh này vượt ngưỡng.
Thu hoạch tôm nuôi công nghiệp tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Do vậy, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm liên kết với các cơ sở sản xuất nguyên liệu, nuôi trồng để tạo thành chuỗi khép kín. Với cá tra, Việt Nam đã làm được việc này. Trong thời gian tới, mặt hàng tôm sẽ được kiểm soát theo chuỗi từ ao nuôi cho tới thị trường để đảm bảo chất lượng.
´Bộ NN&PTNT có biện pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc hình thành các chuỗi sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thưa ông?
Bộ sẽ thông tin kịp thời đến các cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cảnh báo về nguy cơ sử dụng thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi. Bộ cũng sẽ hướng dẫn cho bà con quy trình nuôi đảm bảo an toàn, vẫn sử dụng kháng sinh nhưng không để ảnh hưởng tới chất lượng tôm khi thu hoạch.
Bộ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu các chất thay thế Oxytetracycline để đảm bảo phòng bệnh cho tôm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Còn với những thị trường quy định hàm lượng chất kháng sinh trong tôm quá thấp so với mặt bằng chung thì chúng ta phải đấu tranh. Chúng tôi đã cử các đoàn ra nước ngoài tìm hiểu về vấn đề này.
Vừa qua, đoàn chúng tôi sang Mỹ tìm hiểu về hàng rào kỹ thuật. Chúng tôi trao đổi thẳng thắn với họ để tìm được tiếng nói chung. Vì trong quan hệ thương mại, nếu họ dựng hàng rào ở mặt hàng này, đối tác có thể dựng hàng rào đối với các sản phẩm xuất khẩu khác của họ.
Tuy nhiên, trên hết chúng ta phải kiên quyết đảm bảo uy tín của hàng thủy sản Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
H.V (thực hiện)