Cảnh báo sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), gần đây, EU, Nhật Bản đã phát hiện một số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng kháng sinh Oxy-tetraxycline (OTC) vượt mức giới hạn cho phép.


        Cụ thể, trong 4 tháng qua, đã có tổng cộng 11 lô tôm Việt Nam bị cơ quan chức năng của EU và Nhật Bản phát hiện có dư lượng OTC vượt quá giới hạn cho phép. Cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng OTC trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu.  


 Tại thị trường Nhật Bản, từ ngày 14/3/2014, nước này áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi của Việt Nam do phát hiện dư lượng chất này trong 2 lô hàng tôm nuôi. Đến nay, đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline, nâng tổng số lô hàng tôm nuôi và sản phẩm từ tôm nuôi bị cảnh báo ở thị trường Nhật Bản lên 6 lô hàng. Mức phát hiện từ 0,3 - 2,1ppm, trong khi mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline được áp dụng là 0,2ppm.


Mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline trong tôm xuất khẩu được áp dụng là 0,2ppm.


        VASEP cũng cho biết, các nhà nhập khẩu Nhật đang cân nhắc chuyển qua mua tôm từ Ấn Độ và Indonesia. Điển hình là nhiều nhà nhập khẩu từ Nhật Bản đang tiến hành hướng dẫn nhà máy bên Ấn Độ làm hàng tôm duỗi thay thế cho các đơn hàng đang mua từ Việt Nam.


 Trong nước, người dân thu hoạch tôm ào ạt do lo ngại giá sẽ giảm nhanh vì thị trường xuất khẩu thu hẹp và thông tin về Mỹ áp thuế chống bán phá giá trên tôm Việt Nam nhập khẩu; Nhật Bản, châu Âu thì kiểm soát gắt gao dư lượng kháng sinh trên sản phẩm. Ngoài ra, một số địa phương xảy ra tình trạng dịch bệnh trên tôm, nên người dân cũng tập trung thu hoạch để tránh dịch.


H.V

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN