Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân khá thành công từ mô hình này, và cũng là một trong những hộ dân đi đầu phong trào nuôi gà ta bán Tết ở địa phương, cho biết, cách đây chừng gần chục năm, học hỏi từ một người bạn lính ở huyện Sơn Động, anh Hùng đã đầu tư tiền vốn để bắt tay vào việc nuôi thả gà ta trên mảnh đất vườn đồi rộng rãi của mình. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường là luôn ưa chuộng gà ta, nhất là loại gà ta thả vườn đồi, không nuôi bằng cám công nghiệp, nên anh Hùng đã rất chú trọng nuôi gà theo mô hình “tiêu chuẩn” này.
Anh Hùng kể: “Thoạt đầu tôi chỉ nuôi theo hình thức cộng sinh kết tiếp, nghĩa là tự sản xuất gà giống bằng cách cho gà bố mẹ sinh sản. Thế nhưng, về sau tôi kết hợp nuôi thêm từ nguồn gà giống mua chọn lọc ngoài chợ. Năm đầu tiên nuôi gà đã mang lại cho gia đình tôi mức lợi nhuận lên tới gần 70 triệu đồng. Phát huy thành quả đạt được, năm thứ hai tôi nuôi gà quy mô lớn hơn gấp đôi và cũng thành công”. Lợi nhuận lớn hơn cả mà gia đình anh thu được trong năm từ việc nuôi gà, là vào dịp mấy tháng cuối năm, khi số gà nuôi xuất chuồng bán phục vụ Tết ÂL. Tết Bính Thân 2016 năm nay nhà anh sẽ bán ra thị trường khoảng 1.000 con gà, với khối lượng từ 1,5 đến 2 tấn gà, nghĩa là mỗi con đạt khoảng 1,5 đến 2 kg. Với khối lượng gà thịt xuất bán ấy, nếu giá gà đạt 120.000 đồng/kg như Tết năm ngoái thì gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng. Tuy vậy, anh Hùng vẫn luôn cầu mong một sự may mắn, thuận buồm xuôi gió, gà không gặp phải đợt dịch bệnh gì, chứ không thì công sức đổ sông đổ biển...
Qua gần chục năm “làm bạn” với con gà ta cùng mô hình nuôi gà ta chờ bán Tết, từ một hộ luôn có nền kinh tế nghèo túng, đến nay gia đình anh Hùng đã vươn lên khá giả khi đã xây được nhà hai tầng khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, con cái được đầu tư học hành đến nơi đến chốn...
Học hỏi mô hình chăn thả gà ta bán Tết như anh Hùng, hộ nhà bà Lê Thị Thúy, dẫu đi sau đến vài năm so với anh Hùng, cũng như nhiều hộ dân khác trong xã, nhưng với quy mô nuôi lớn, kinh tế gia đình bà Thúy đã phất lên trông thấy. Bà Thúy kể về những bước đi đầu tiên khi đến với mô hình hiệu quả này: “Nhìn thấy nhà anh Hùng và một số hộ khác nuôi gà ta thả vườn đồi bán Tết khá nhàn hạ lại cho thu nhập khá, tôi đã quyết định bàn với chồng con đi vay vốn ngân hàng nông nghiệp huyện, cộng với vay thêm nhà bà con họ hàng để đầu tư lưới thép rào quanh khoảng diện tích vườn rừng nhà mình. Cách Tết chừng 3 tháng là tôi bắt đầu ra chợ quanh vùng mua gom hơn ngàn con gà giống, loại choai choai khoảng 300 - 400 gram/con mang về nuôi. Số gà giống này tôi lựa chọn đồng đều, khoảng một nửa là gà trống, một nửa là gà mái, vì nhu cầu của thị trường Tết, ngoài gà thịt thì gà trống làm lễ cúng cũng khá quan trọng. Gà tôi nuôi hoàn toàn cho ăn bằng ngô, thóc, rau lá chứ tuyệt nhiên không có thức ăn công nghiệp, vì thế thịt chắc, ngon và được người tiêu dùng rất ưa thích. Vụ nuôi gà Tết đầu tiên đó đã thành công ngoài mong đợi, sau khi trừ hết chi phí đi rồi tôi còn lời ra được mấy chục triệu đồng...”.
Từ lúc khởi đầu nuôi hơn ngàn con gà, đến nay quy mô nuôi gà ta chờ bán Tết của gia đình bà Thúy luôn ở mức 3-4 ngàn con. Bà Thúy cho hay, việc nuôi gà ta thả vườn đồi là không quá vất vả, khi chỉ phải làm mấy khu lán trại có mái che để gà tụ lại ngủ ban đêm. Ban ngày gà tự đi kiếm ăn, bới móc cây cỏ quanh khu vườn rừng nên chỉ phải cho gà ăn 2 bữa vào lúc sáng và chiều tối. Việc tiêm phòng dịch cho gà cũng phải được chú trọng, tốt nhất nên tiêm khi mới mua gà giống ở chợ về...
Qua tiếp xúc với nhiều hộ nông dân nuôi gà ta theo mô hình chăn thả vườn rừng để chờ bán Tết ở Thanh Lâm, Bắc Giang, tôi nhận thấy việc nuôi gà ta theo mô hình này không chỉ nhàn hạ mà lợi nhuận là khá cao. Theo tính toán, một con gà giống cỡ 300 gram, mua với giá 30.000 đồng, nuôi qua 3 tháng, ăn hết khoảng 70.000 đồng tiền thức ăn, đạt trọng lượng 1,5 kg khi xuất chuồng bán ở vào thời điểm Tết, thời điểm Tết năm ngoái là 120.000 đồng/kg, như vậy người nuôi sẽ lời khoảng 80.000 đồng/con. Theo cách tính toán như vậy, gia đình nuôi khoảng 1.000 con, nếu thuận lợi, gà không bị dịch bệnh gì, thì mức lợi nhuận sẽ vào khoảng 80 triệu đồng.
Có một điều mà bà con ở những địa phương có kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn rừng đúc kết là, con gà ta vốn đã khỏe mạnh hơn gà công nghiệp, khi được chăn thả theo mô hình tự nhiên bán hoang dã, chúng tự điều chỉnh mình để hòa nhập và chống chọi với dịch bệnh, vì vậy mà chúng ít bị bệnh tật. Chính vì vậy mà người nuôi gà ta thả vườn thường là thành công, chứ ít khi phải chịu cảnh thất thu dẫn đến phá sản vì dịch bệnh như nuôi gà công nghiệp.