Chưa kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ
Chợ đầu mối có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phân phối thực phẩm cho các thành phố lớn. Ở các nước, chợ đầu mối còn có vai trò là một nguồn cung cấp thay thế cho các nhà bán lẻ độc lập với giá cả rẻ hơn và thúc đẩy vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2016, tổng số chợ cả nước là 8.513 chợ, trong đó có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%); trong đó nhiều nhất là các tỉnh: Thanh Hóa 11 chợ, Quảng Bình 11 chợ, Hà Nội 7 chợ, Đồng Tháp 6 chợ, Hưng Yên 4 chợ, TP Hồ Chí Minh 3 chợ... chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các mặt hàng được bày bán tại các chợ đầu mối rất đa dạng, phần lớn là các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả tươi, gia cầm.... nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ các trang trại. Việc mua bán còn mang tính chất tự phát, không có hợp đồng mua bán và chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Điển hình như vụ việc bơm thuốc an thần vào lợn của cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Điều đáng nói là sau 2 tháng theo dõi, lực lược chức năng mới bắt quả tang được cơ sở này tiêm thuốc an thần vào lợn. Đáng báo động là cơ sở Xuyên Á là cơ sở đầu mối giết mổ lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh, mỗi đêm làm thịt khoảng 5.000 con lợn, chiếm hơn 50% tổng lượng lợn giết mổ tại thành phố. Nếu không có sự vào cuộc của các đơn vị công an điều tra thì hàng ngày sẽ có hàng ngàn con lợn bị bơm thuốc được tuồn về các chợ đầu mối.
Hoạt động mua bán rau, củ, quả tại chợ đầu mối Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, tình trạng hoạt động tự phát của các điểm tập kết hàng hóa xung quanh khu vực chợ đầu mối ngày càng phức tạp. Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ để bán, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong trường hợp cần thiết….
Theo các chuyên gia thương mại, việc không truy suất được nguồn gốc xuất xứ dẫn đến thách thức là các chợ đầu mối có thể trở thành kênh tiêu thụ sản xuất nông nghiệp có chứa thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học...
Truy suất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối còn thiếu, nhất là cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hoá.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hội, việc phát triển các chợ đầu mối nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương hiện nay còn một số hạn chế như: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Công tác đào tạo đội ngũ thương nhân chuyên nghiệp, nhân viên thương mại nghiệp vụ có trình độ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. Việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ còn hạn chế.
Trong thời gian qua, một số mô hình chợ đầu mối nông sản đã hình thành ở Đồng Nai, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh… đã đem lại hiệu quả cao. Điển hình là việc tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (thuộc huyện Thống Nhất). Chợ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 28/6/2017. Hơn 3 tháng qua, đã có 75 ô vựa hoạt động, chiếm 35%. Lượng hàng hóa nông sản ra - vào chợ hiện nay trung bình 200 tấn/ngày đêm.
Theo đại diện Công ty Proton đơn vị đầu tư chợ cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm, việc triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và chợ đầu mối là rất quan trọng. Đồng thời, công ty cũng tư vấn và hỗ trợ tái cấu trúc trang trại, nhà vườn để có nguồn nông sản chuẩn cung cấp cho hệ thống chuỗi chợ đầu mối. Công ty giúp các nhà vườn xây dựng mã định danh (mã vạch, Qcode, app smart phone hoặc mã định danh tiên tiến khác) để nâng cao giá trị của nông sản sạch.
Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ đầu mối, kết nối sản xuất với tiêu thụ bằng nguồn hàng truy suất được nguồn gốc xuất xứ như của Công ty Proton chưa được nhiều. Thậm chí, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được chợ đầu mối quy mô để gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Để giải quyết khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để xây được chợ đầu mối, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối nông sản. Vì các chợ đầu mối có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, muốn kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ phải thu hút các nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối đảm bảo về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường. Nông sản ở chợ đầu mối phải được truy suất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng đề án, hình thành cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống chợ đầu mối.