Nông nghiệp tiếp tục phải tái cơ cấu đi vào chiều sâu, đa giá trị gắn với nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số để có được nền nông nghiệp hiện đại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Sáu tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Đó là sự biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại toàn ngành khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%.
Trong 6 tháng, nông nghiệp đã có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, lĩnh vực nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng tốt, đặc biệt là lúa gạo và trái cây sản xuất và cho sản lượng liên tục, Riêng sản lượng lúa trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều loại cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng như: sầu riêng, xoài, cam, quýt, nhãn; một số có sản lượng giảm như: vải, thanh long, chôm chôm...
Cục Trồng trọt tiếp tục chỉ đạo sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông và vụ Mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Đồng thời, theo dõi sát sản xuất các cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt đối với cây ăn quả chủ lực như: thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở Đồng bằng sông Cửu Long để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Lĩnh vực chăn nuôi luôn chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhờ đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tương đối ổn định: đàn lợn ước tăng 2,9% với sản lượng thịt hơi tăng 5,1%; gia cầm ước tăng 2,3% với sản lượng thịt hơi tăng 4,9% và trứng tăng 5,1%.
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi có xuất hiện nhiều địa phương, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các ổ dịch đều xảy ra ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ và được các địa phương kiểm soát tốt. Đây là các ổ dịch đều chưa được tiêm phòng vaccine. Cục Thú y cùng các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh việc tiêm phòng vaccine này. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với các đơn vị thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Về thủy sản, thời tiết tương đối thuận lợi cho cả nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản đạt 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó nuôi trồng thủy sản tăng 4,1%.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, nhiệm vụ quan trọng của ngành là tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủ số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Đặc biệt, việc chuẩn bị tốt để đón đoàn thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng, các địa phương cần kiểm soát tốt đội tàu cá hoạt động trên biển. Đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và mới đây là Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Khi địa phương, các lực lượng chức năng xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm hoạt động khai thác thủy sản sẽ góp phần tích cực vào gỡ “thẻ vàng” IUU, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh.
Cùng với đảm bảo sản xuất trong nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.
Đồng thời, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Điển hình như thị trường thực phẩm Halal – đây là thị trường lớn. Mới đây, một số doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc mở cửa thị trường và đã có một số sản phẩm xuất khẩu như thuốc thú y, thịt gà. Tuy nhiên, thị trường này không công nhận lẫn nhau cho nên sẽ phải đàm phán từng thị trường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.