Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nghe báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016 và định hướng năm 2017; phát huy vai trò của Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp và phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Dân /TTXVN |
Trong năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Nghệ An vẫn đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2016 ước đạt 4,5%. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng: Nông nghiệp 79,82%, lâm nghiệp 6,53%, ngư nghiệp 13,65%. Đến cuối tháng 12/2016, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 145/431 xã trong toàn tỉnh (đạt 33,64%). Hai đơn vị cấp huyện (thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 650 hợp tác xã; trong đó có 461 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 132 hợp tác xã phi nông nghiệp và 57 quỹ tín dụng nhân dân.
Mục tiêu trong năm 2017, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4 - 4,5%; phấn đấu có ít nhất 20 xã và 1 huyện (Nam Đàn) đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng mỗi huyện, thành, thị 3 mô hình hợp tác xã kiểu mới để nhân rộng; tập trung xây dựng Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản xuất an toàn gắn với chuỗi giá trị; hoàn thành chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Làm việc với Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự vui mừng với những thành quả mà tỉnh Nghệ An đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong 3 năm trở lại đây. Điển hình là năng suất, sản lượng lúa và ngô cao nhất từ trước đến nay, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, để phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, nông nghiệp phải gắn với hợp tác xã. Theo thống kê, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 26% GDP của toàn tỉnh Nghệ An, tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lớn. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của nông dân hiện nay chỉ bằng 1/4 của ngành công nghiệp, dịch vụ. Do đó, về lâu dài không có thu nhập cao, nông dân sẽ bỏ sang hoạt động ngành công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, đối với những hộ khá giả nếu vào hợp tác xã sẽ càng có lợi, càng hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay số hộ khá giả không vào hợp tác xã chỉ chiếm 0,9%, do đó, số người dân cần hợp tác xã hỗ trợ là rất lớn chiếm 99%, chỉ có làm ăn tập thể mới có lợi cho cá thể.
Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, chỉ khi vào hợp tác xã kiểu mới, thu nhập mới bền vững. Nếu 50% tổng số hộ nông dân tham gia xã hợp tác xã kiểu mới, thu nhập mới phát triển bền vững được. Trong khi đó, hiện nay 50% số xã ở tỉnh Nghệ An chưa có hợp tác xã.
Đề cập về vấn đề an toàn thực phẩm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, khi nông dân có thu nhập cao mới tự ý thức được việc sản xuất an toàn. Sản xuất chính đáng mà thu nhập thấp, người dân chưa tự ý thức được việc sản xuất an toàn. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trước tiên phải có chế tài và hướng dẫn, tập huấn phương thức sản xuất an toàn để người dân nhận thức được việc sản xuất không an toàn là sai trái.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, tỉnh Nghệ An phải làm thế nào để nông dân không chỉ thu nhập bằng 1/4 công nghiệp, dịch vụ mà phải bằng một nửa trong thời gian tới và 10 năm nữa phải bằng 80%. Theo đó, Nghệ An cần có chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn trọng tâm trong 5 năm kinh tế hợp tác; cần hỗ trợ để thực hiện 5 sẵn sàng cho nông dân đó là: có 10 hộ nông dân hiểu về kinh tế hợp tác, do đó phải tập huấn cho 15.000 nông dân trên địa bàn tỉnh; phải có 3 người được bồi dưỡng để lãnh đạo hợp tác xã; nông dân phải bàn bạc với nhau để xác định sản phẩm chủ lực của hợp tác xã, họ biết được ai hướng dẫn, ai giúp mình về giống, về kỹ thuật; nông dân sẵn sàng phương thức tiêu thụ sản phẩm và biết được chính sách hỗ trợ vốn, ưu tiên vào hợp tác xã để huy động vốn.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có 9.000 doanh nghiệp đang hoat động, trong đó có 440 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 5%, trong khi cả nước bình quân là 2%. Do đó, nông dân phải tự cứu mình bằng việc hợp tác với doanh nghiệp để hai bên cùng có lợi. Hợp tác xã khi gắn bó với doanh nghiệp sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; người nông dân phải tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hợp tác xã phải là đầu mối.