Mặc dù kết quả tăng trưởng XK trong 6 tháng đầu năm là khả quan, nhưng tại giao ban xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương tổ chức hôm qua (6/7), nhiều ý kiến cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, việc đẩy mạnh XK cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, nhiều ngành hàng sẽ gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhu cầu của thế giới về các loại thủy sản của Việt Nam rất lớn nhưng cung không đáp ứng được cầu. Các mặt hàng tôm, cá tra và hải sản có nguồn gốc từ biển đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Theo tính toán của Hiệp hội, hiện nguyên liệu cá tra thiếu hụt khoảng 20% so với nhu cầu sản xuất, chế biến XK và dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình này còn căng thẳng hơn với khả năng thiếu hụt gần 35%. Thiếu nguyên liệu thủy sản còn dẫn tới tình trạng “tranh mua, tranh bán” diễn ra khá phức tạp.
Với công suất chế biến điều XK lên tới 800.000 tấn/năm nhưng nguyên liệu trong nước chỉ đạt khoảng 300.000 tấn/năm nên ngành điều phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành điều lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: "Quy định mới liên quan đến việc kiểm tra nguyên liệu nhập khẩu (Thông tư số 13/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ 1/7) đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp do các lô hàng nhập khẩu điều thô từ Tây Phi, Inđônêxia, Campuchia đã được các doanh nghiệp ký từ đầu năm 2011 (thời điểm trước khi có Thông tư này) nên các doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện để nhập khẩu nguyên liệu. Đến 5/7, đã có hơn 300 côngtenơ điều nguyên liệu cập cảng không được thông quan. Tính đến tháng 6, toàn ngành điều đã ký hợp đồng nhập khẩu 73.200 tấn điều thô nên lượng hàng ùn ứ trong thời gian tới sẽ rất lớn. Điều này không những dẫn tới việc doanh nghiệp không có nguyên liệu để chế biến hàng XK mà còn rất tốn kém tiền lưu kho bãi... Vì vậy, Hiệp hội đã có công văn hỏa tốc đề nghị được lùi thời gian thực hiện Thông tư 13 đối với doanh nghiệp nhập khẩu điều thô đến 1/10/2011.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại giá nông sản XK có thể đã chạm ngưỡng và khó có thể tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam nhận xét: Cần đề phòng xu hướng giá hàng hóa sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ có thể đi xuống. Doanh nghiệp nếu không tỉnh táo, ôm hàng lúc giá cao thì sẽ rất khó khăn khi giá hạ, trong khi đó lãi suất ngân hàng do lạm phát vẫn khó có thể hạ nhiệt. Khó khăn kép này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước vốn có tiềm lực tài chính yếu khó có thể chống đỡ.
Trước những khó khăn trên của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các bộ, các ngành phải rút kinh nghiệm trong việc áp dụng quy định thủ tục nhập khẩu nguyên liệu phục vụ hàng xuất khẩu. Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với cơ quan chức năng có giải pháp để gỡ khó với hàng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ hàng xuất khẩu. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẽ có các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp XK tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, sẽ tạo điều kiện vay bằng các nguồn khác. Hiện nay, các ngân hàng thực hiện chủ trương của Chính phủ đã tập trung ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp nông thôn và XK với mức lãi suất cho vay 17,5%/năm, giảm so với thị trường 2% và còn có thêm gói cho vay đối với công nghiệp phụ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và XK mà lại dần hạn chế nhập khẩu.
Thu Hường