'Nhường' gạo phẩm cấp cao cho nước ngoài

Mặc dù là quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng hàng thứ 2, thứ 3 trên thế giới nhưng tại thị trường trong nước, phân khúc gạo chất lượng cao đang bị chi phối bởi các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản…

Cần phải thay đổi hướng tới việc nâng cao giá trị của "hạt ngọc" Việt.


Lép vế trên sân nhà

Chuẩn bị cho thị trường Tết, năm nào chị Thủy - chủ một cửa hàng chuyên cung cấp gạo sỉ và lẻ tại chợ cầu ông Lãnh (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng tất bật với những giao dịch đặt hàng mua, nhận gạo từ Thái Lan. Năm nay, theo chị Thuỷ, lượng gạo chị nhập về từ Thái Lan tăng hơn 30% so với năm trước. “Lượng gạo mỗi năm đều tăng là do người tiêu dùng đã sử dụng rồi không muốn thay đổi. Hiện gạo chất lượng cao của Thái Lan không chỉ tiêu thụ mạnh mỗi dịp Tết đến mà còn được khách hàng ở phân khúc thu nhập cao mua về sử dụng quanh năm...”.

Khảo sát của phóng viên tại các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Big C… giá các loại gạo phẩm cấp cao của Việt Nam như: gạo nàng Yến, gạo thơm, chín con rồng vàng, Châu Long… có giá dao động từ 18.000-20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết, mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng thực chất gạo chất lượng cao trong nước chỉ được chế biến từ khoảng 10 giống lúa thuộc dòng cơm dẻo, thơm được trồng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các dòng này mặc dù có giá cao hơn các loại gạo thông thường nhưng vẫn không cao hơn gạo ngoại nhập, với giá bán lẻ trung bình từ 18.000 – 22.000 đồng/kg. Từ những loại gạo chủ lực này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo phối trộn cho ra hàng chục loại với tên gọi và chất lượng gạo khác nhau. Tại Việt Nam, gạo cao cấp có thương hiệu được mọi người biết đến, chẳng hạn như Nàng thơm Chợ Đào (Cần Đước, Long An) rất ít; đồng thời số lượng chỉ khoảng 1.200 tấn gạo/năm nên “không thấm vào đâu” so với nhu cầu.

Ngoài các loại gạo Thái Lan, Đài Loan… với đặc điểm dẻo, có mùi thơm đặc trưng, hiện thị trường đang bắt đầu ưa chuộng loại gạo có xuất xứ từ Nhật Bản. Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, ước tính của ngành chức năng, thị trường tiêu thụ trung bình từ 50 - 60 tấn gạo nhập khẩu từ Nhật Bản/tháng. Ngoài ra, hai thương hiệu gạo Thái Lan là Pathumthani và Hommali có giá từ 24.000 – 26.000 đồng/kg mới đây cũng đã thâm nhập vào thị trường và được nhập khẩu “nguyên đai nguyên kiện” về bán lại cho người tiêu dùng trong nước. 

Nhanh chóng thay đổi

Tại Hội thảo “Tương lai cho ngành lúa gạo Việt Nam” được tổ chức mới đây tại thành phố Cần Thơ, nhiều đại biểu cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam thường tăng hàng năm về số lượng nhưng chưa có sự gia tăng giá trị tương ứng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân khi họ vẫn phải chịu thu nhập thấp. Cụ thể, so sánh với “đối thủ” Thái Lan, dù có năng suất thấp chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam, nhưng trái lại gạo Thái Lan chế biến tốt nên cho giá cả tốt hơn hẳn. Trong khi đó, chỉ tính riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 30-40 loại giống lúa khác nhau, tuy nhiên các thương lái lại không chịu đầu tư hệ thống tách màu và sàng lọc mà cứ ào ạt mua về, trộn lẫn xay xát và bán ra thị trường nên cho chất lượng kém, không đồng nhất.

“Bên nước bạn họ quản lý thống nhất giống nhưng ở ta khâu này rất yếu. Hiện doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh nên phẩm chất giống kém, thậm chí còn tồn tại trường hợp người dân tự để giống chứ chưa tạo được vùng sản xuất giống riêng biệt. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến chất lượng đầu ra của lúa gạo”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, lý giải.

Trong động thái nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua đề án phát triển sản phẩm quốc gia cho mặt hàng gạo. Mục tiêu đề án đặt ra là sẽ chọn 5 - 7 giống lúa thơm ngắn ngày có chất lượng cao, đáp ứng những tiêu chí cao trong xuất khẩu và thị hiếu tiêu dùng nội địa, từ đó có thể cạnh tranh với gạo chất lượng cao của các nước trong khu vực vào năm 2020. Trước đó, Bộ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình trọng điểm nghiên cứu lúa gạo quốc gia đến năm 2020. Ban chỉ đạo chương trình này sẽ do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban, kết hợp cùng các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu lúa gạo theo hướng đạt được mục tiêu, chất lượng cao. Bộ cũng phối hợp với Viện nghiên cứu lúa Quốc tế triển khai các nghiên cứu và tham vấn hỗ trợ kỹ thuật cho ngành lúa gạo bao gồm: giống, công nghệ sinh học, sản xuất bền vững, chính sách nhằm giúp cải thiện ngành lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập của nông dân.


Lê Nghĩa

Hiệu quả việc tổ chức sản xuất lại lúa gạo
Hiệu quả việc tổ chức sản xuất lại lúa gạo

Mô hình Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới như điển hình là HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã và đang từng bước khẳng định vị thế của người nông dân trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN