Những sai lầm thường khiến doanh nghiệp không thể ‘lớn’ hoặc phá sản

Từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 87.500 doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên số dừng hoạt động và phá sản cũng lên đến hơn 63.000. Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp “sớm nở tối tàn” chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vậy đâu là lý do khiến các doanh nghiệp không thể thành công?

Đam mê vẫn chưa đủ

Chú thích ảnh
Hiện hơn 70% doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, thiếu sự đột phá để có thể ra "biển lớn".

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận Đầu tư Savills Vietnam, câu chuyện các doanh nghiệp “sớm nở tối tàn” là chuyện rất bình thường trong điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Không phải họ không dám vượt qua thử thách khó khăn mà họ đang thiếu và yếu nhiều thứ. Cụ thể, khi các doanh nghiệp này khởi nghiệp thường bắt đầu từ giấc mơ, đam mê… nhưng thiếu chuẩn bị nhiều về tài chính, công nghệ, pháp lý, kiến thức, hiểu biết về thị trường.

Thực tế cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp hoạt động thì chỉ có khoảng 53% doanh nghiệp làm ăn có lãi, 47% doanh nghiệp còn lại kinh doanh khó khăn, thua lỗ. Trong đó, có 3 yếu tố chính khiến các doanh nghiệp dẫn đến thất bại, không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp mà cả những doanh nghiệp đã tồn tại từ lâu, thậm chí cả doanh nghiệp lớn thường mắc sai lầm.

Thứ nhất, theo TS Khương, cái họ thiếu và yếu đó chính là vốn. Thứ hai là không tạo được chỗ đứng trên thị trường, dẫn đến hàng bị tồn kho, không bán được, đồng nghĩa dòng tiền không thể lưu thông. Thứ ba, đó chính là quản trị con người, không chỉ là nhân viên mà ngay cả đối tác hùn vốn kinh doanh. Ngoài ra, kiến thức về pháp lý cũng là yếu tố không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập 4.0 hiện nay.

Chính vì những điểm yếu này, hơn 70% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính lượng doanh nghiệp này lại đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước hiện nay. Do đó, để giúp các doanh nghiệp này có thể tồn tại, huy động được vốn và có thể đột phá thành công, ông Mã Thanh Danh, thành viên HĐQT KIDO Group, Chủ tịch Công ty tư vấn quốc tế CIB cho biết hội thảo “Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ” sẽ được các chuyên gia về kinh tế - tài chính – luật chia sẻ vào ngày 28/9 tới đây tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
TS Sử Ngọc Khương và ông Mã Thanh Danh chia sẻ những thông tin mà các doanh nghiệp Việt hiện đang yếu và thiếu hiện nay.

Theo ông Mã Thanh Danh, đại dương đỏ là một thuật ngữ trong kinh doanh, được các doanh nghiệp ví như một đại dương toàn cá mập đang tranh giành cắn xé nhau vì một con mồi. Ở đó, có một thị trường xác định, các đối thủ cạnh tranh xác định và một cách thức điều hành đặc trưng ở bất cứ ngành công nghiệp cụ thể nào.

Chính vì vậy, ông Danh mong muốn thông qua hội thảo này, các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được đầy đủ các thông tin, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ có một cách nhìn, một định hình đúng đắn về cách huy động vốn, cách kinh doanh và bí quyết thế nào có thể “bẻ khóa” đại dương đỏ.

“Như mới đây, chúng tôi tư vấn cho Lactea nghiên cứu tìm cách mở khóa đại dương đỏ. Cụ thể, khi bán trà, chúng ta không phải chỉ bán sản phẩm trà mà phải đi vào văn hóa trà, đi tới nơi trồng trà ở Hà Giang, tìm hiểu cách trồng trà, bón trà, thu hoạch trà; từ đó xây dựng nên ko gian thực nghiệm về trà, giúp khách hàng khi dùng trà cảm thấy giảm nhẹ nhõm. Đối với những người ở xa xứ, khi thưởng thức vị trà nhớ lại quê hương, nhớ lại kỷ niệm. Như vậy, cái thành công là “bán” kỷ niệm, “ bán” kí ức. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp phải biết tận dụng những di sản, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, xuất xứ của nó để mang lại giá trị văn hóa cho sản phẩm, từ đó mới có thể vượt qua ranh giới đại dương đỏ tiến vào đại dương xanh”, ông Danh chia sẻ.

Gọi vốn dễ hay khó

Chú thích ảnh
Không có chiến lược kinh doanh thực thi và khác biệt, doanh nghiệp sẽ khó thuyết phục các nhà đầu tư hay ngân hàng đầu tư vốn.

Trong 6 chủ đề được hội thảo đưa ra, chủ đề gọi vốn cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. TS Thái Lâm Toàn, Trưởng văn phòng đại diện khu vực phía Nam Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt NAm (VACD), đồng thời là trưởng Ban tổ chức hội thảo cho hay, hiện nay điểm yếu của các doanh nghiệp khi gọi vốn đều không nói rõ được tính thực thi của dự án sẽ như thế nào, thời gian hoàn vốn sẽ bao lâu, nếu không thành công sẽ giải quyết bài toán nợ vốn thế nào, cuối cùng là doanh nghiệp có gì để thế chấp đảm bảo khi gọi vốn hay không.

“Trong khi đó, các nhà đầu tư thường muốn nhìn thấy sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp có gì khác biệt so với các sản phẩm cùng ngành và khả năng phát triển của sản phẩm đó đến đâu. Chính vì vậy, cách thức gọi vốn sao cho hiệu quả là một trong yếu tố cực kỳ quan trọng để tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp”, ông Toàn nói.

Cùng quan điểm, ông Mã Thanh Danh cũng cho rằng cần có hệ sinh thái kinh doanh trong doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa là cần có sự liên kết của các doanh nghiệp với nhau trong kinh doanh để tạo nên sự tương tác, hỗ trợ nhau trong kinh doanh khi gọi vốn.

“Là những giám khảo vòng sơ tuyển của cuộc thi Shark Tank Việt Nam, tôi nhận thấy để huy động vốn hiệu quả, doanh nghiệp cần có mô hình kinh doanh hiệu quả và khả thi, sau đó cần có việc đội ngũ thực thi chiến lược hiệu quả. Ví dụ như mô hình kinh doanh của Thế giới di động, hay sản phẩm Trà xanh không độ của Dr Thanh… các ý tưởng hoàn toàn có thể copy nhưng việc tạo sự khác biệt mới là quan trọng và cơ sở của thành công. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có tính trung thực, làm đúng theo cam kết thì việc huy động vốn mới…dễ”, ông Danh chia sẻ.

Chú thích ảnh
TS.LS Bùi Quang Tín chia sẻ về pháp lý trong kinh doanh.

Ngoài câu chuyện gọi vốn, vấn đề pháp lý khi hình thành doanh nghiệp cũng ít người biết đến, chỉ khi sự việc tranh chấp xảy ra, các doanh nghiệp mới tìm tới luật sư. Theo LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng mắc phải, điển hình như câu chuyện của Ba Huân và Vina Capital.

Về góc độ cơ bản, theo LS.TS Bùi Quang Tín thì vấn đề soạn hợp đồng rất cần có sự tư vấn về pháp lý, bởi chỉ cần ngôn ngữ trong hợp đồng thay đổi, ngữ nghĩa cũng có thể thay đổi nếu không đọc kỹ và hiểu kỹ về pháp lý. “Chưa kể, tất cả các chiến lược thực hiện kinh doanh vẫn cần sự tư vấn của pháp luật. Quay lại câu chuyện của Ba Huân, vì muốn phát triển ra thị trường nước ngoài, nhưng sự chuẩn bị vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến “cơm không lành, canh không ngọt” với đối tác, xin hủy đồng”, LS.TS Tín chia sẻ thêm.

Hội thảo “Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ” sẽ được tổ chức vào ngày 28/9 tại 272 Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh với 6 chủ đề chính: Khám phá chiến lược bẻ khóa đại dương đỏ; khai phá công nghệ để tạo thị trường đại dương xanh; kinh tế vĩ mô, cơ hội và thách thức trong đại dương xanh, đại dương đỏ; tháo gỡ khó khăn tài chính cho doanh nghiệp start up trong thời kỳ đại dương đỏ; bí quyết trở thành nhà vô địch khởi nghiệp: Kỳ lân trong đại dương đỏ và tháo gỡ khó khăn pháp lý khi khởi nghiệp trong đại dương đỏ.
Hải Yên/Báo Tin tức
30 năm thu hút FDI - Bài 3: Sáng tạo trong tiếp cận các nhà đầu tư
30 năm thu hút FDI - Bài 3: Sáng tạo trong tiếp cận các nhà đầu tư

Để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu quả, TP Hồ Chí Minh bên cạnh khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có như vị trí địa lý, chất lượng nguồn nhân lực, các chính sách ưu đãi thì các cơ chức năng, lãnh đạo thành phố luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách thu hút, tiếp cận các nhà đầu tư với phương châm xuyên suốt “thành công của các nhà đầu tư cũng chính là thành công của thành phố và hiệu quả của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN