Các địa phương cần lưu ý khi lấy nước của các công trình thủy lợi. Nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ nông nghiệp.
Cụ thể, ở vùng các cửa sông Cửu Long, tháng 4/2023, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 40 - 50 km, cao hơn trung bình nhiều năm từ 3 - 5 km, thấp hơn từ 15 - 32 km so với năm 2020, nhưng cao hơn từ 5 - 8 km so với năm 2022. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 45 km trở xuống.
Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất tháng 4/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức từ 65 - 70 km, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 4 - 7 km; so với năm 2020 thấp hơn từ 30 - 43 km, nhưng so với năm 2022 cao hơn 4 - 6 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 65km trở xuống trong các kỳ triều cường.
Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.
Cục Thủy lợi cũng cho biết, hiện tại khu vực Đông Nam Bộ đang giai đoạn cao điểm mùa khô. Dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 4 đạt khoảng 55% dung tích thiết kế.
Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong mùa khô thời gian tới thì nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Tuy nhiên, các địa phương trong khu vực cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2023, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
Vùng Đông Nam Bộ có phần lớn diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực công trình thủy lợi (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), đây là các khu vực không chủ động về nguồn nước và phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa mùa khô. Vì vậy, trong vùng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ nếu nắng nóng kéo dài và không có mưa, Cục Thủy lợi lưu ý.
Hiện tại, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi đạt từ 36 - 70% dung tích thiết kế, thấp hơn 12% so với tháng trước; cao hơn khoảng 7% so với trung bình nhiều năm, cao hơn từ 5 - 14% so với giai đoạn 2018 - 2021, thấp hơn 1% so với năm 2022. Cụ thể, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi tại Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 45%, Đồng Nai 47%, Tây Ninh 70%, Bình Dương 36%, Bình Phước 63%.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) trong tháng 3/2023 đều có xu thế giảm.
Diễn biến mực nước một số trạm đến ngày 29/3 tại Kratie đạt 7,48 m, so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,21 m, thấp hơn năm 2022 khoảng 0,96m.
Dung tích Biển Hồ đạt 1,62 tỷ m3, so với cùng kỳ thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,55 tỷ m3, thấp hơn năm 2022 khoảng 0,61 tỷ m3.
Mực nước lớn nhất ngày 29/3 tại trạm Tân Châu đạt 0,93 m, thấp hơn năm 2022 khoảng 0,42m. Tại Châu Đốc đạt 1,1 m, thấp hơn năm 2022 khoảng 0,43m.
Trong tháng 3/2023, xâm nhập mặn cao nhất với ranh 4g/l vào sâu nhất từ 35 - 56 km và không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ngập lụt, úng.