Sáng 27/5, anh Huỳnh Thế Điểu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam khoe với tôi: “Rạng sáng nay có 4 chiếc trong tổng số 8 chiếc tàu của tổ đoàn kết ngư dân trên biển thuộc Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang hành nghề ở ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã cập bến. Cả 4 chiếc tàu đều trúng đậm cá ngừ, cá nục. Bốn chiếc còn lại đang trên đường về đất liền, cá cũng đầy khoang”.
Cũng như mọi ngày, trong những ngày qua, cảng cá Kỳ Hà luôn tấp nập phương tiện tàu thuyền ra vào để tiêu thụ sản phẩm, bổ sung vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm để tiếp tục vươn khơi. Trong 4 chiếc tàu anh Điểu thông báo, tàu mang số hiệu QNg 91019 TS có công suất 550 CV do anh Phạm Văn Thái ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng khai thác được 19 tấn cá ngừ và cá nục.
Ngư dân Quảng Nam trúng đậm mùa cá nục, cá ngừ. |
Tàu đánh cá mang biển kiểm soát QNg 91244 TS có công suất 700 CV do anh Huỳnh Tạo làm thuyền trưởng khai thác được gần 20 tấn cá ngừ, cá nục. Tàu cá mang số hiệu QNg 91212 TS có công suất 700 CV do ông Bùi Văn Tâm làm thuyền trưởng khai thác được gần 20 tấn hải sản. Tổng trị giá hải sản trong chuyến đi biển này của 3 chiếc tàu nói trên đạt gần 1,2 tỷ đồng. Trừ hết các khoản chi phí, gần 40 lao động trên 3 chiếc tàu đánh cá trên mỗi người có thu nhập trên 25 triệu đồng. Họ sẽ có một tuần gần gia đình, sau đó lại tiếp tục ra khơi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Huỳnh Thế Điểu cho biết.
Là một “kình ngư” nổi tiếng cả vùng về khả năng điều khiển tàu, phán đoán luồn cá, chỉ huy công việc khai thác trên biển, anh Huỳnh Thế Điểu cất giọng át cả tiếng sóng biển: “Các tổ đội đoàn kết trên biển của ngư dân Tam Quang hiện có trên 400 hội viên. Phần lớn hội viên là lao động trên các tàu cá công suất lớn, khai thác dài ngày trên biển và có tuổi đời còn khá trẻ, đủ sức bám biển dài ngày”.
Anh Điểu cho biết thêm: Trong năm 2013 vừa qua, ngư dân là thành viên nghiệp đoàn nghề cá nói riêng và ngư dân trong xã nói chung đã đầu tư trên 56 tỷ đồng để đóng mới 7 chiếc tàu có công suất lớn, cải hoán hàng chục tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ và trang thiết bị đi biển hiện đại. Hiện tổng số tàu thuyền chuyên hành nghề ở tuyến khơi và tuyến lộng của địa phương là 370 chiếc với tổng công suất đạt 27.200 CV. Nhờ vươn khơi bám biển dài ngày, lượng hải sản khai thác được tăng gần gấp đôi so với thời còn đánh bắt chủ yếu ở tuyến lộng gần bờ, “kình ngư” Huỳnh Thế Điểu cho biết.
Nếu anh Huỳnh Thế Điểu được mệnh danh là “kình ngư” thì thuyền trưởng Nguyễn Xuân Phong được ngư phủ Quảng Nam tôn là “sói biển” ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Mới vừa bước qua tuổi 40 nhưng anh Phong là người dày dạn kinh nghiệm đi biển không kém các lão ngư. Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Phong tâm sự: “Đối với ngư dân khi hành nghề trên biển, việc sở hữu tàu thuyền có công suất lớn, phương tiện hỗ trợ hiện đại, kinh nghiệm đi biển được tích lũy nhiều vẫn chưa đủ mà cần có sự đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trên biển giữa ngư dân với ngư dân và giữa ngư dân với các lực lượng khác”.
“Sói biển” Nguyễn Xuân Phong cho biết, nhờ làm ăn có hiệu quả và được Nhà nước hỗ trợ kịp thời nên các nghiệp đoàn đã bắt đầu lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy bộ đàm, máy tầm ngư, máy định vị, máy dò ngang để hành nghề vây rút chì ở tuyến khơi và mô hình lưới rê hỗn hợp trên tàu khai thác hải sản xa bờ.
Ở các làng chài Quảng Nam, không thiếu các “kình ngư”, “sói biển” như Huỳnh Thế Điểu, Nguyễn Xuân Phong, Huỳnh Minh Cảnh, Võ Hồng Nhân, Nguyễn Văn Nghị, Trần Văn Anh, Nguyễn Ngọc Vân, Trương Văn Âu, Đoàn Hữu Ngọc, Huỳnh Văn Diệp... Các anh là những chỉ huy nổi tiếng quả cảm, can trường và thông minh trong việc khai thác hải sản ở các ngư trường truyền thống khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa. Họ là những người luôn bình tĩnh trong việc phối hợp với đồng đội và các lực lượng chấp pháp trên biển cũng như trên đất liền trong việc chỉ huy xử lý các tình huống bất ngờ trên biển, thượng tá Nguyễn Trường Quy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà từng nhận xét về họ với tình cảm và sự tôn trọng như vậy.
Còn với tôi, mỗi lần được trò chuyện với những “kình ngư”, những “sói biển” này, lần nào tôi cũng nhận thấy ở họ sự dũng cảm và kiên cường trong việc quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Đi biển bây giờ, ngư dân chúng tôi không đơn độc bởi trong hành trình vươn khơi xa bám biển làm ăn dài ngày chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của các lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư. Điều này giúp ngư dân chúng tôi tự tin hơn trong quá trình bám biển, góp phần gìn giữ ngư trường truyền thống, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, “kình ngư” Huỳnh Thế Điểu cho biết.
Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung