Những yếu tố này dự báo hỗ trợ doanh nghiệp dầu khí trung nguồn hưởng lợi từ bài toán giá trong năm 2023.
Trung nguồn đề cập vào các điểm trong quá trình sản xuất dầu khí nằm giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Trong hoạt động dầu khí, doanh nghiệp trung nguồn tập trung vào các khâu vận chuyển, lưu trữ và phân phối.
Theo quy trình này, nếu doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn có thể chịu tác động dây chuyền và đầu vào của nguyên liệu khi giá dầu tăng, doanh nghiệp trung nguồn được hưởng lợi do liên quan đến hàng tồn kho và giá doanh nghiệp bán cho người mua.
Như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), dù chưa công bố báo cáo tài chính quý IV, song luỹ kế 9 tháng năm 2022, BSR đạt doanh thu 126.720 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 13.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12.899 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của BSR đạt 74.243 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm đầu năm; trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ lệ lớn với giá trị tương đương 13.821 tỷ đồng.
Năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu dự báo có thể giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách Zero COVID của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.
Tuy nhiên, chuyên viên phân tích Nguyễn Ngọc Hải, Công ty Chứng khoán Vndirect nhận định ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung.
Đặc biệt khi OPEC+ phát đi tín hiệu luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu, kỳ vọng hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao, khoảng 90 USD/thùng. Động thái này giúp doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn, giá dầu neo ở mức cao sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận, tạo lợi thế cạnh tranh so trong ngành.
Cùng với đó, lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu từ Nga bằng đường biển của EU khiến dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu phải định hình lại. Doanh nghiệp trung nguồn trong nhóm vận tải dầu khí được hưởng giá cước cao nhờ hãng tàu phải thay đổi lộ trình và đi một quãng đường xa hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên và nguồn cung tàu còn bị gián đoạn do phần lớn các hãng tàu chở dầu lớn nhất thế giới hầu như đều thuộc châu Âu.
Chuyên viên phân tích Vndirect lưu ý, trong khi nhiều nguồn nhiên liệu có thể thay thế cho khí trong sản xuất điện hiện nay, nhu cầu diesel tại châu Âu tiếp tục tăng trong những tháng tới. Từ đó cũng làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu trên thế giới.
Báo cáo của Công hội Hàng hải quốc tế và vùng Baltic (BIMCO) cũng nhận định, yếu tố về nguồn cung tàu là yếu tố hỗ trợ chính cho giá cước vận chuyển xăng dầu trong những năm tới. Dự kiến năm 2023, nhu cầu vận chuyển dự kiến vượt xa mức tăng trưởng nguồn cung, với nhu cầu trên thị trường tàu chở dầu thô sẽ tăng từ 4-5%, trong khi nguồn cung ước tính giảm 0-1%.
So với thị trường tàu chở dầu thô, thị trường tàu chở dầu sản phẩm có thêm lợi thế từ việc chuyển từ xuất khẩu dầu thô sang xuất khẩu sản phẩm dầu tinh chế. Theo BIMCO, nhu cầu sẽ tăng từ 5,5-6,5% vào năm 2023, trong khi nguồn cung giảm 1-2%. Ngoài ra, tuổi tàu ngày càng tăng đã gây áp lực lên công suất đội tàu hiện có và khiến cho giá tàu cũ ở các phân khúc đều có mức tăng mạnh.
Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải dầu khí cũng sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (NSR) và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước dịch COVID-19 kể từ năm 2022 là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải dầu khí. Lúc này, thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho doanh nghiệp vận tải dầu khí trong nước.
Theo đà tăng giá cước tàu chở dầu trên toàn cầu, những doanh nghiệp vận tải có mức độ tham gia vào thị trường quốc tế cao, đồng thời tham gia sâu tại thị trường nội địa sẽ được hưởng lợi chính.
Đơn cử, hiện 80% đội tàu của Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVTrans) đang hoạt động trên các tuyến quốc tế và hầu hết được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn mà giới phân tích cho rằng sẽ được gia hạn với giá cước cao hơn trong thời gian tới. Doanh nghiệp này cũng không ngừng đầu tư mở rộng và đổi mới đội tàu. Đến cuối năm 2022, đội tàu có thể đạt 40 tàu, tăng so với 36 tàu trong năm 2021 và 31 tàu trong năm 2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của PVTrans cho thấy doanh thu thuần tăng 39% so với cùng kỳ lên 2.330 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16,8% quý III/2021 lên 17,7%. Kết quả này được đóng góp chủ yếu bởi việc giá cước vận chuyển xăng dầu tăng mạnh và việc gia tăng đội tàu thời gian qua.
Mới đây nhất, ngày 22/12, Công ty Vận tải sản phẩm khí quốc tế (Gas Shipping) công bố lợi luận trước thuế năm 2022 đạt trên 101 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm.
Theo Giám đốc Gas Shipping Đoàn Đức Trọng, năm 2022, hoạt động của công ty đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến một số kho cảng ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc vẫn còn quy định cách ly, kiểm dịch.
Gas Shipping đã triển khai nhiều giải pháp để gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh như: mở rộng thị trường khai thác, đa dạng sản phẩm dịch vụ, điều tiết đội tàu hợp lý ở từng khu vực thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, an toàn, chất lượng.
Hiện Gas Shipping tiếp tục giữ vị thế chi phối ở thị trường vận tải khí hóa lỏng LPG nội địa, đang đẩy mạnh phát triển ra thị trường quốc tế với 50% đội tàu hoạt động hoàn toàn ở thị trường này. Doanh nghiệp cũng đã hoàn thành đầu tư 2 tàu hóa chất nhằm mở rộng quy mô, đa dạng hóa đội tàu cũng như gia tăng hoạt động khai thác tàu bên ngoài trong bối cảnh giá cước và nhu cầu vận tải dầu khí không ngừng tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2022 (30/12), cổ phiếu BSR của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn có giá 13.300 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PVT của PVTrans có giá 22.000 đồng/cổ phiếu và thị giá cổ phiếu GSP của Gas Shipping là 9.190 đồng/đơn vị.