Dự báo giá dầu vẫn sẽ giữ ở mức cao, cùng với Luật Dầu khí (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2023 sẽ giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, đà tăng lãi suất và biến động tỷ giá sẽ có tác động trái chiều lên lên các doanh nghiệp dầu khí.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể sẽ giảm tốc do những trở ngại đến từ đồng USD mạnh hơn, chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc và cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1,5% so với cùng kỳ, đạt mức trung bình 101,04 triệu thùng/ngày cho cả năm 2023, trong khi năm 2022 nhu cầu dầu toàn cầu tăng 2,2%.
Tuy nhiên, Chứng khoán VNDIRECT nhận thấy ít có khả năng thị trường rơi vào tình trạng dư cung do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ chậm lại có thể được xoa dịu bởi những động thái từ phía nguồn cung, đặc biệt là từ tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), hỗ trợ giá dầu duy trì ở mức cao trong năm tới. Về cơ bản VNDIRECT kỳ vọng giá dầu Brent trung bình sẽ đạt khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023.
Theo chuyên viên phân tích Nguyễn Ngọc Hải, Luật Dầu khí sửa đổi được thông qua vào tháng 11, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí; giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí. Mặc dù cần có thêm các điều khoản và hướng dẫn chi tiết hơn, nhưng việc thông qua Luật Dầu khí sửa đổi là rất quan trọng, giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Đồng quan điểm, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, việc Luật Dầu khí (sửa đổi) được thông qua là điểm tích cực trong bối cảnh trữ lượng khí tự nhiên đang giảm đi hằng năm và cần nhiều dự án mới được triển khai để bù đắp, đặc biệt đây cũng là tiền đề để có thể xúc tiến tiến độ của đại dự án Lô B Ô Môn sớm được triển khai trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng, trung bình khoảng 470 tỷ USD đầu tư thượng nguồn sẽ được chi mỗi năm cho đến năm 2030 để đảm bảo cân bằng cung và cầu trên thị trường dầu thô, cao hơn 50% so với khoản đầu tư trong những năm gần đây. Đây sẽ là bệ đỡ để thị trường khoan dầu khí tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới.
Đối với thị trường khoan tại Đông Nam Á, nhà cung cấp dịch vụ thông tin - IHS Markit ước tính, nhu cầu giàn tự nâng trung bình ở Đông Nam Á sẽ ở mức 35,1 giàn vào năm 2023, tăng nhẹ so với mức 33,4 giàn trong năm 2022. Hai động lực chính đến từ thị trường Indonesia và Malaysia với nhu cầu năm 2023 dự báo đạt lần lượt là 10,3 giàn và 8,5 giàn.
Nguồn cung các giàn khoan tự nâng ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị thắt chặt khi nhiều giàn khoan đang được chuẩn bị để di chuyển đến khu vực Trung Đông. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã chứng khoán: PVD).
Đối với các doanh nghiệp dầu khí trung nguồn là vận tải dầu khí được dự báo hưởng lợi theo đà tăng giá cước. Động lực tăng giá tiềm năng đối với giá cước vận tải tàu chở dầu toàn cầu khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine đang định hình lại dòng chảy thương mại dầu thô toàn cầu. Nhu cầu đối với tàu chở dầu thô và nhiên liệu tăng lên kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, với việc là một nguồn nhiên liệu có thể thay thế cho khí trong sản xuất điện, nhu cầu diesel tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, làm gia tăng nhu cầu đối với tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, việc chuyển hướng dòng chảy năng lượng từ Nga đã làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến quãng đường dài hơn và gây áp lực lên thị trường vận tải tàu chở dầu toàn cầu.
Đối với thị trường nội địa, nhu cầu vận tải dầu khí dự báo sẽ tăng dần trong vài năm tới nhờ việc Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động hết công suất và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá thuê tàu đã phục hồi về mức trước COVID-19 kể từ năm 2022, là tín hiệu tốt cho các đơn vị vận tải dầu khí. Do đó, thị trường nội địa vẫn sẽ là bệ đỡ vững chắc cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí của Việt Nam với sự đóng góp ổn định vào kết quả kinh doanh của các công ty (nhờ cơ chế giá cước thuê tàu hiện tại đảm bảo một mức biên lợi nhuận gộp ổn định cho doanh nghiệp vận tải).
Theo đà tăng giá cước tàu chở dầu trên toàn cầu, doanh nghiệp vận tải tham gia nhiều vào thị trường quốc tế và nắm vị trí dẫn đầu tại thị trường nội địa như: Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã chứng khoán: PVT) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi chính.
Với lĩnh vực phân phối xăng dầu, ông Nguyễn Ngọc Hải đã chỉ ra tiềm năng phục hồi mạnh mẽ. Theo vị chuyên gia phân tích này, năm 2023, giá dầu thế giới dự kiến sẽ có diễn biến ổn định hơn so với năm 2022, giúp giảm thiểu rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVN) xử lý vấn đề tài chính đối với Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây sẽ là tiền đề để Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung nội địa và giảm áp lực chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Các chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh tăng trong tháng 10 và 11. Sự điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến thị trường, giảm bớt áp lực cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022-2030, là cơ sở để các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng trong những năm tới.
Các doanh nghiệp phân phối lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã chứng khoán: PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam (mã chứng khoán: OIL) có thể có thêm được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ khác, vốn có khả năng sẽ bị loại khỏi thị trường sau một năm 2022 đầy khó khăn.
Với các doanh nghiệp lọc dầu, biên lợi nhuận có thể sẽ giảm trong năm 2023, nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với trước khủng hoảng Nga – Ukraine do nhu cầu phục hồi sau đại dịch; thị trường dầu thô và xăng dầu thành phẩm tiếp tục thắt chặt do cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kéo dài, đặc biệt là ở châu Âu; việc cắt giảm phát thải carbon sẽ làm hạn chế sự gia tăng công suất lọc dầu trong dài hạn.
Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng, lãi suất cao hơn sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế cũng như ngành dầu khí trong thời gian tới. Tác động của môi trường lãi suất tăng lên các doanh nghiệp dầu khí niêm yết là trái chiều, phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu thấp, môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp này trong ngắn hạn, hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của của các doanh nghiệp.
Mức độ ảnh hưởng của đà tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng đóng góp của thu nhập lãi thuần vào kết quả kinh doanh của công ty. Qua đó, VNDIRECT nhận thấy Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi chính.
Ngược lại, một số doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí và Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (mã chứng khoán: PVC) sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng.
Đặc biệt, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí sẽ chịu áp lực lớn từ lãi suất tăng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi chậm.
Còn về rủi ro tỷ giá, vì hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp dầu khí đều được tính theo đồng USD, doanh thu của các doanh nghiệp này sẽ tăng cùng chiều với đồng USD. Điều này có thể bù đắp cho các khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay nợ bằng USD cho vốn lưu động.
Do đó, có rất ít rủi ro cho việc đồng USD tăng giá đối với các doanh nghiệp như: Tổng công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Mặt khác, một số doanh nghiệp hạ nguồn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên do giá xăng dầu đầu vào được neo theo đồng USD trong khi giá bán sản phẩm tính theo đồng VND.
Bên cạnh đó, các công ty có tỷ trọng nợ vay USD cao như: Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí và Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí sẽ gặp rủi ro lỗ tỷ giá cao hơn các doanh nghiệp khác khi đồng USD tăng giá.