Theo báo cáo tổng kết thanh tra diện rộng về khí dầu mỏ hóa lỏng và xăng dầu năm 2012 do Bộ Khoa học - Công nghệ công bố hôm qua (31/10) tại Hà Nội, sau 3 tháng thanh tra tại hơn 5.200 cơ sở kinh doanh, số tiền xử phạt vi phạm đã lên tới hơn 5 tỷ đồng.
Vi phạm chủ yếu về đo lường
“Tổng số cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) và xăng dầu được thanh tra từ tháng 6 - 8/2012 là 5.278 cơ sở (trong đó có 918 cơ sở kinh doanh LPG và 4.360 cơ sở kinh doanh xăng dầu). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính đối với 678 cơ sở (chiếm 12,8%) với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng”, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết. Bên cạnh việc xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã xử phạt bổ sung với các hình thức như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (56 cơ sở), tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo (10 cơ sở), tịch thu 13 cột đo nhiên liệu, đình chỉ hoạt động 32 cột đo và 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu, tịch thu 600 lít xăng dầu…
Tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra và niêm phong cây xăng Lan Anh (số 220, quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Thời gian qua, với sự biến động mạnh của giá LPG và xăng dầu thế giới, nhiều cơ sở kinh doanh LPG và xăng dầu trong nước đã dùng các thủ đoạn gian lận hòng “móc túi” người tiêu dùng. Theo ông Dũng, các hành vi vi phạm bị phát hiện chủ yếu là vi phạm về đo lường. Cụ thể, trong 169 lượt vi phạm LPG bị phát hiện thì có tới 123 lượt vi phạm về đo lường (chiếm gần 80%). Còn trong 568 lượt hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu thì có 246 lượt gian lận đo lường (chiếm hơn 43%). Bên cạnh đó, còn nhiều vi phạm khác về chất lượng, sở hữu công nghiệp, vi phạm về điều kiện kinh doanh, giá bán, điều kiện phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, theo kết quả thanh tra, các vi phạm pháp luật trong kinh doanh LPG và xăng dầu có chiều hướng ngày càng tinh vi, phức tạp với các hành vi như lắp thêm hoặc thay đổi các bộ điều khiển điện tử nhằm gian lận đo lường xăng dầu (phát hiện rải rác tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Bình Dương, Phú Yên, Hòa Bình…), pha loại xăng có trị số octan thấp với xăng có trị số octan cao để ăn gian tiền chênh lệch.
Gian lận tinh vi, xử phạt bất cập
Hành vi làm thay đổi đặc tính đo lường của phương tiện đo để điều chỉnh sai số vượt mức cho phép vẫn tồn tại một cách rất tinh vi như thách thức các cơ quan quản lí. Để phát hiện hành vi vi phạm này, cơ quan chức năng phải có nghiệp vụ thanh tra cao, tổ chức theo dõi trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc kiểm tra các mẫu xăng dầu có sai phạm về chất lượng cũng gặp khó khăn do kinh phí cho việc thử nghiệm chất lượng xăng dầu rất cao. Trong đợt thanh tra vừa qua, kinh phí dành cho việc thử nghiệm 836 mẫu là gần 3 tỷ đồng.
“Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, để chấm dứt hoàn toàn những sai phạm về kinh doanh xăng dầu là rất khó. Ví dụ tình trạng lắp đặt các thiết bị bo mạch rất tinh vi, đối tượng gian lận thay đổi cả CPU. Họ có mật mã điều khiển thay đổi chế độ sai số. Khi cơ quan kiểm tra đến, họ chỉ cần ngắt điện, đóng mạch là máy trả lại chế độ cũ. Lúc đó chúng tôi rất khó tìm được mật mã xác định sai số và khi không xác định được sai số thì không thể xử phạt”, Chánh thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Minh Dũng cho hay.
Một số văn bản xử phạt của Nhà nước còn thiếu tính khả thi. Ông Trần Minh Dũng cho biết, theo quy định của Nghị định 104/2011/NĐ-CP, việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về đo lường đã không phân biệt nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm mà đều bị xử phạt nặng như nhau, kèm theo hình thức xử phạt bổ sung. “Quy định này khó khả thi, ít có tính giáo dục trong thực tiễn, đặc biệt là những trường hợp phát hiện vi phạm đo lường không lớn và những cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ ở vùng sâu vùng xa”, ông Dũng nói.
Hiện nay, mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sang, chiết gas trái phép vào chai mini và sử dụng lại chai mini trái với quy định sẽ khó khả thi với người nhập cư không có hộ khẩu tại địa phương, buôn bán tạp hóa nhỏ nên cần có thông tư hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, các cơ quan thanh tra đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2009/NĐ-CP theo hướng vi phạm của cơ sở sản xuất cần xử phạt nặng hơn cơ sở kinh doanh buôn bán.
Hoàng Dương