Đó là lo ngại của các doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/4. Tại buổi gặp mặt, hơn 100 DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều ý kiến, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý dẫn đến tình trạng ách tắc của nhiều dự án trong thời gian qua.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết các DN BĐS đang có 12 vướng mắc, chủ yếu liên quan đến pháp lý và thủ tục hành chính. Ông lo ngại những vướng mắc này sẽ là hệ lụy cho nguồn cung dự án, theo đó sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, DN bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, làm khó khăn chồng chất khó khăn, thậm chí có DN đối mặt với nguy cơ bị phá sản...
“Đây cũng là một trong những lý do mà không ít các DN BĐS tại TP Hồ Chí Minh phải bỏ phố để đi làm dự án tại các tỉnh. Bởi lẽ không chỉ vì những tiềm năng và cơ hội đầu tư rất lớn của các địa phương mà tại các thị trường mới, họ được mời chào, được nhiều ưu đãi, chi phí đầu tư thấp, tiềm năng sinh lời cao”, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm..
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các DN BĐS đang có 30 dự án bị các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Các dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công, thường chiếm tỉ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án. Trong đó, có nhiều dự án có tỉ lệ đất công chỉ chiếm dưới 5% tổng diện tích. Tuy nhiên, tất cả các dự án đều không được giải quyết vì đang bị ách tắc việc tính tiền sử dụng đất. Đồng thời, các thủ tục hành chính tiếp theo, sau khi dự án đã có "Quyết định chủ trương đầu tư" cũng đang bị các cơ quan hành chính của TP Hồ Chí Minh “treo” hàng tháng, thậm chí có dự án bị “treo” hàng chục năm.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%; dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm sâu… Với tình trạng này, không chỉ các DN BĐS gặp nhiều khó khăn mà khiến việc thu ngân sách từ BĐS của TP Hồ Chí Minh cũng giảm mạnh.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết các vướng mắc mà DN BĐS nêu ra chủ yếu liên quan đến các thủ tục hành chính, như cấp phép dự án, tiền sử dụng đất, chậm bàn giao và giải phóng mặt bằng.... "Để giải quyết vấn đề này, sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cần khẩn trương thực hiện công tác xác định giá đất và phối hợp với Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh để thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất cho các dự án đang bị treo. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh và Trung ương cũng đã rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện", ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.
Theo Bí thư UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lần nào tiếp khách nước ngoài, ông đều nghe khen TP Hồ Chí Minh ngày càng đẹp hơn, thay đổi nhiều, đô thị phát triển..., điều này có sự đóng góp không nhỏ của DN BĐS. Do đó, để giải quyết khó khăn cho các DN BĐS, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các dự án chậm triển khai muốn được tháo gỡ đều phải có quy trình. Thủ tục hành chính thì liên quan đến quản lý nhà nước, nhà nước phải phân công cụ thể ai chịu trách nhiệm, cơ quan nào chịu trách nhiệm và trả lời rõ cho doanh nghiệp được biết.
“Khi giải quyết các thủ tục hành chính cho các dự án của DN BĐS, các sở, ngành, đơn vị hành chính cũng phải quy định thời gian giải quyết, không nên để người dân và doanh nghiệp phải chờ đợi mà không biết thời gian khi nào. Hiện nay, một số sở, ngành cũng chưa công bố thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, trong khi các quận - huyện đã công bố thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đạt 99%. Việc công bố thời gian chờ đợi sẽ giúp người dân, doanh nghiệp điều chỉnh được thời gian thi công các dự án, tính toán được các chi phí phát sinh và thay đổi chi phí cho các dự án tiếp theo…”, ông Nhân cho biết.
Đối với DN BĐS, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện quy trình đã có nhưng phải hoàn thiện để làm sao khi khởi động dự án, doanh nghiệp biết chắc đi theo lộ trình qua bao nhiêu sở, ngành và cuối cùng tập kết ở đâu. Vì vậy, DN BĐS và các sở, ngành cần ngồi lại với nhau để vẽ lại quy trình triển khai dự án BĐS, mỗi công đoạn thì trách nhiệm các sở, ngành làm gì; khâu nào khó thì các sở, ngành ngồi lại trao đổi, ai chịu trách nhiệm; sở, ngành hay UBND TP Hồ Chí Minh phải chỉ rõ.
"Ngoài ra, quy trình liên quan nhiều sở, ngành thì lấy ý kiến các sở, ngành này nhưng phải có đơn vị tập hợp... Có như vậy mới có sự thống nhất trong giải quyết các thủ tục hành chính, tránh việc doanh nghiệp nộp dự án hàng năm và bị đùn đẩy trách nhiệm từ sở này qua sở khác. Đối với cơ chế xử lý các dự án BĐS có vướng mắc trong quá trình triển khai, đề nghị các sở, ngành phải bàn với nhau, nếu không giải quyết được thì kiến nghị cấp trên để giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.