Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trước khi diễn ra hội thảo, Chủ tịch IHK Hamburg Norbert Aust đã đón và mời Đại sứ Vũ Quang Minh ký sổ vàng, cùng trao đổi nhanh về quan hệ song phương cũng như triển vọng hợp tác trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo được tổ chức tại trụ sở IHK Hamburg, Đại sứ Vũ Quang Minh hoan nghênh việc Hamburg tổ chức hội thảo về đầu tư ở Việt Nam, nhấn mạnh đây là sự kiện lớn đầu tiên giữa hai nước được tổ chức ngay sau chuyến thăm hết sức thành công của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Việt Nam. Đại sứ điểm lại một số kết quả nổi bật trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Việt Nam, trong đó hai bên ký 3 văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng, đào tạo nghề và năng lượng xanh.
Chuyến thăm đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, cho thấy Đức nhìn nhận Việt Nam là đối tác tin cậy không chỉ trong lĩnh vực an ninh - chính trị mà cả trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Theo Đại sứ, trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn với những diễn biến khó lường và các doanh nghiệp Đức mong muốn đa dạng hóa quan hệ kinh doanh, Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu và tin cậy cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, hai nước có nhiều lĩnh vực có thể mở rộng hợp tác như trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, kinh tế số và phát triển bền vững, môi trường, chế biến nông sản, sản xuất, công nghệ thông tin, dược phẩm, y tế… và các ngành mũi nhọn khác của Đức.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hải, Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã trình bày tổng quan về tình hình kinh tế, đầu tư 9 tháng đầu năm 2022. Tính đến cuối tháng 9/2022, Đức có 436 dự án FDI đang hoạt động hiệu quả ở Việt Nam với tổng số vốn 2,34 tỷ USD.
Ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết Việt Nam đang ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhờ những lợi thế như chi phí lao động thấp, lực lượng lao động và năng lực sản xuất dồi dào bên cạnh rất nhiều chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp.
Trong bài tham luận của mình, Giám đốc khu vực ASEAN của OAV, ông Daniel Marek, đã đề cập những lợi thế của Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp Đức. Ông cũng trình bày tổng quan về Việt Nam so sánh trong ASEAN, trong đó ghi nhận mức tăng trưởng cao ở Việt Nam bất chấp những khó khăn nói chung của thế giới trong những năm đại dịch COVID-19 vừa qua. Một số lĩnh vực chủ chốt ở Việt Nam bao gồm dệt may, giày dép, hàng điện tử (máy tính, điện thoại, linh kiện) và nông sản (gạo, cà phê, tiêu). Trong năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Đức và Việt Nam đạt 14,5 tỷ euro (15,2 tỷ USD), trong đó Đức nhập khẩu 10,7 tỷ euro (11,2 tỷ USD). Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là máy móc, dược phẩm và thiết bị.
Tại hội thảo, một số đại diện doanh nghiệp của Đức như công ty TESA và Công ty Đầu tư và Phát triển Đức (DEG) chia sẻ những kinh nghiệm trong đầu tư làm ăn ở Việt Nam, cơ hội để được hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp Đức. Những người tham dự cùng trao đổi thẳng thắn với đại diện Đại sứ quán cũng như các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm hoạt động ở Việt Nam về những vấn đề liên quan tới đầu tư, kinh doanh. Hội thảo diễn ra một cách sôi nổi và hiệu quả, góp phần mang lại cho các doanh nghiệp Đức một bức tranh rõ nét hơn về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, từ đó mở ra triển vọng lớn cho quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hamburg nói riêng, nước Đức nói chung, với Việt Nam.