Nhiều bất cập sau những dự án thủy điện ở Gia Lai

Chất lượng công trình xây dựng không đảm bảo; các hệ lụy môi trường cũng như công tác tái định canh, giải quyết đất ở, đất sản xuất của người dân… vẫn còn hạn chế. Đó là những bất cập sau những dự án thủy điện tại Gia Lai hiện nay.


Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 287 dự án thủy điện với tổng công suất gần 7.000 MW, trong đó 244 dự án thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ với gần 1.500 MW. Đến thời điểm này, mặc dù mới chỉ có 163 dự án thủy điện đã và đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhưng đã khiến cho gần 25.300 hộ dân bị ảnh hưởng (hơn 5.600 hộ phải tái định cư); chiếm dụng trên 65.200 ha đất các loại (16.600 ha đất rừng). Bình quân, mỗi MW thủy điện ở Tây Nguyên chiếm dụng gần 11 ha đất xây dựng và hơn 10 ha đất để bố trí tái định canh, định cư. Thủy điện chiếm dụng một lượng lớn quĩ đất gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và làm suy giảm diện tích đất canh tác cũng như đất rừng trên địa bàn. Ngoài ra chất lượng các công trình thủy điện còn nhiều điều đáng phải bàn, chưa kể đến nhiều thủy điện còn chuyển dòng chảy khiến các địa phương lâm vào cảnh khô hạn và ô nhiễm.


Nỗi lo về chất lượng


Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hàng loạt thủy điện mọc lên như nấm hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho các địa phương mà trước mắt là những người dân sống trong vùng dự án. Thế nhưng, người dân chưa kịp được hưởng lợi thì đã phải gánh chịu những hậu quả đầu tiên. Sự cố vỡ đập dâng thủy điện Ia Krel 2 vào trung tuần tháng 6 vừa qua tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ chính là hồi chuông cảnh tỉnh về thực tế công tác quản lý cũng như vấn đề đảm bảo an toàn xây dựng và chất lượng các công trình trên địa bàn.


Sự cố vỡ đập dâng thủy điện Ia Krel 2, huyện Đức Cơ, Gia Lai.


Thủy điện Ia Krel 2 do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai đầu tư xây dựng từ năm 2010 với công suất 5MW. Vào thời điểm vỡ thân đập, hơn 5 triệu mét khối nước và hàng nghìn mét khối đất đã ùn ùn đổ về như lũ quét gây thiệt hại hơn 200 ha cây trồng và hoa màu của 122 hộ dân, các công ty cao su đồng thời nhấn chìm nhiều ngôi chòi canh rẫy của người dân dọc hạ lưu. Mặc dù may mắn không gây thiệt hại về người, song rất nhiều người dân đã phải tháo chạy tránh lũ và chờ lực lượng chức năng tới giải cứu.
Bất cập hiện nay là theo phân cấp quản lý, thủy điện vừa và nhỏ do ngành công thương của địa phương phê duyệt đầu tư, còn chất lượng công trình do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư “liều mạng” cắt xén bớt hạng mục giảm chi phí đầu tư bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với tính mạng, tài sản của người dân.


Trách nhiệm của chủ đầu tư ở đâu?


Bao đời nay, dòng sông Ba vốn hiền hòa như một phần không thể thiếu, gắn bó sâu đậm với cuộc sống và sinh hoạt của người dân các địa phương nơi nó đi qua. Dòng nước trong xanh, ngọt lành với những loài cá đã trở thành thứ đặc sản của dòng sông này như cá Đá, cá kèo… Vậy mà từ khi thủy điện An Khê - Kanat chặn dòng tích nước và chuyển dòng chảy về sông Côn (tỉnh Bình Định), dòng chảy của sông Ba ở vùng hạ lưu bị cạn kiệt nặng, nhất là vào mùa khô làm đảo lộn nghiêm trọng đời sống của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ sông. Người dân không thể đánh bắt tôm, cá trên sông để mưu sinh như trước đây và nhu cầu dùng nước sạch sinh hoạt của người dân cũng ngừng hẳn bởi nguồn nước ô nhiễm nặng. Hơn thế, mực nước quá thấp không đủ để đẩy trôi các chất cặn bã, làm cho ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường sinh hoạt của người dân. Bà Phan Thị Thương, người dân tổ 9, phường An Bình, thị xã An Khê cho biết: Mùi hôi thối từ dòng sông Ba bốc lên khiến chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Quanh năm phải chịu cảnh này bức bối, mệt mỏi lắm không chịu nổi.


Dòng nước từ thủy điện vỡ Ia Krel 2 cuốn trôi mọi hoa màu, chòi canh của người dân.


Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, việc giải quyết đất sản xuất cho dân sống trong vùng lòng hồ đến giờ vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết một cách rốt ráo. Mới đây Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tỉnh Gia Lai đã tổ chức kiểm tra thực tế và bàn bạc phương án giải quyết dứt điểm những tồn tại, đảm bảo đời sống dân sinh ở các vùng tái định cư và vùng hạ lưu sông Ba. Ông Trần Việt Hùng - Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định, những tồn tại và bức xúc của người dân sinh sống dọc 2 bờ sông Ba và các khu tái định cư là có cơ sở. Trước hết ngành điện cần phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra lại chất lượng nguồn nước trên vùng hạ lưu sông Ba, xác định nguyên nhân nguồn nước đục. Dòng chảy tối thiểu của sông Ba cần được rà soát và công bố để đảm bảo lưu lượng xả nước của công trình thích hợp, đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất của người dân sống dọc 2 bên bờ sông. Ngoài ra chính quyền huyện K'Bang cần chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án thủy điện 7 bàn giao quỹ đất đã được quy hoạch trên diện tích 80ha đất lâm nghiệp để cấp đất cho dân sản xuất theo định mức.


Hàng loạt những sự cố thủy điện vừa và nhỏ xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến chính quyền tỉnh Gia Lai không khỏi băn khoăn. Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cho rằng địa phương đang là “vương quốc”của thủy điện và kiến nghị dừng triển khai mới các dự án thủy điện trên địa bàn. Đối với các dự án thủy điện thuộc thẩm quyền địa phương, mới đây tỉnh đã kiên quyết loại bỏ 13 dự án thủy điện chậm tiến độ và không thực hiện đúng cam kết theo dự án.



Nguyễn Hoài Nam

Không phát triển thủy điện bằng mọi giá
Không phát triển thủy điện bằng mọi giá

Khu vực Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có tiềm năng lớn về thủy điện. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện sẽ không được coi là lý do để hy sinh các lợi ích xã hội và môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN