Bộ đã thống nhất loại bao nhiêu dự án thủy điện?

Hỏi: Bộ Công Thương đã thống nhất loại khỏi quy hoạch bao nhiêu dự án thủy điện?

Trả lời: Bộ Công Thương đã thống nhất với các tỉnh loại khỏi quy hoạch 338 dự án thủy điện với tổng công suất 1.088,9 MW, gồm 2 dự án thủy điện bậc thang (118 MW) và 336 dự án thủy điện nhỏ (970,9 MW); đồng thời không tiếp tục xem xét đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng thủy điện (362,5 MW). Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các dự án, vị trí tiềm năng thủy điện bị loại bỏ đều thuộc đối tượng hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác, nhà đầu tư trả lại do không khả thi hoặc không có nhà đầu tư quan tâm.


Đây là kết quả của Đoàn công tác gồm Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND 20/38 tỉnh có dự án thủy điện gồm Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trên cơ sở rà soát các vấn đề về quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Đợt rà soát tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án; công tác quy hoạch và thực hiện đầu tư các khu tái định cư; công tác thu hồi, khai hoang, giao đất sản xuất và chất lượng đất; việc xây dựng, bàn giao, vận hành, khai thác cơ sở hạ tầng tái định cư, tái định canh; công tác chuyển giao và hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân tái định cư; các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan.


Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới triển khai xây dựng ở giai đoạn đầu, các tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Bộ Công Thương xem xét loại khỏi quy hoạch đối với 67 dự án (157,9 MW) và 3 vị trí tiềm năng (13,5 MW) trên cơ sở đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường-xã hội, sự phù hợp với quy hoạch chung trên địa bàn... của từng dự án. Đồng thời tạm dừng, chỉ cho phép đầu tư xây dựng từ sau năm 2015 đối với 117 dự án (769,9 MW) nếu đảm bảo hiệu quả đầu tư, ít tác động tiêu cực đối với môi trường-xã hội, đảm bảo điều kiện giao thông, điện thi công, đấu nối điện, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và trong khu vực...


Đối với các dự án đang nghiên cứu đầu tư, có điều kiện thực hiện thuận lợi nhưng chưa xác định đầy đủ các tác động môi trường-xã hội, các dự án mới triển khai thi công giai đoạn đầu nhưng có tác động tiêu cực nhất định đến môi trường-xã hội, các dự án đa mục tiêu còn có vướng mắc liên quan cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hiệu quả, các tác động môi trường-xã hội để điều chỉnh hợp lý sơ đồ, quy mô khai thác đối với 146 dự án thủy điện nhỏ (tổng công suất 1.286,2 MW) và 13 dự án thủy điện bậc thang (tổng công suất 828 MW).


Như vậy, trên cả nước hiện còn 899 dự án thủy điện với tổng công suất 24.880 MW; trong đó, có 260 dự án (13.694,2 MW) đã vận hành khai thác; 211 dự án (6.712,6 MW) đang thi công xây dựng dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017; 266 dự án (3.410 MW) đang nghiên cứu đầu tư để xem xét cho phép khởi công xây dựng trong thời gian tới; còn lại 162 dự án với tổng công suất 1.063,2 MW chưa có chủ trương đầu tư do còn vướng mắc liên quan đến tác động môi trường - xã hội hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.

Thi công sai thiết kế gây vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2
Thi công sai thiết kế gây vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2

Liên quan đến sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2, thuộc địa bàn xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, sau khi trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai đã có kết luận chính thức về nguyên nhân gây vỡ đập chính của thủy điện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN