Nhật Bản sẽ là đối tác hàng đầu trong nông nghiệp

Theo các công ty xuất khẩu nông sản của Việt Nam, công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng nông sản của Nhật Bản rất cao. Nếu các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam áp dụng thành công công nghệ của Nhật vào sản xuất, chế biến, bảo quản thì có thể xuất khẩu được đi hầu hết các nước trên thế giới.

Tiêu chuẩn khắt khe

Theo ngư dân La Văn Tình, thôn Thiện Chánh, xã Tam Quang Bắc, huyện Hòa Nhơn, Bình Định, cá ngừ xuất sang Nhật Bản có tiêu chuẩn rất cao, đòi hỏi phải đẹp về hình thức, đảm bảo chất lượng. Trước đây anh thường đi biển 20 ngày mới về nên chất lượng cá ngừ sẽ không đảm bảo. Nếu áp dụng công nghệ Nhật Bản, sau 10 ngày đánh bắt, cá phải được đưa về đất liền để bảo quản, sơ chế. Như vậy, chất lượng cá sẽ tươi, ngon hơn và giá sẽ cao hơn nhiều. Ngoài ra, câu cá ngừ kiểu Nhật sẽ giúp cá có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, nếu bán cho tư thương của Việt Nam cũng có giá cao hơn. Vì vậy, anh mong rằng, các công ty của Nhật sẽ sang trực tiếp ký kết với ngư dân Việc Nam, bao tiêu sản phẩm để nâng mức giá cá cho ngư dân. Như vậy, mới đảm bảo lợi nhuận cho ngư dân đánh bắt cá ngừ xuất sang Nhật.

Cá ngừ được bảo quản, sơ chế theo công nghệ Nhật Bản sẽ có chất lượng và giá cao hơn. Ảnh: Viết Ý- TTXVN


Ông Nguyễn Văn Cửu, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy (Nam Định), công ty chuyên sản xuất giống ngao, xuất thô là chính, cho biết: “Tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác, mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, giúp chúng tôi có công nghệ tiên tiến hơn, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị, xuất khẩu tới nhiều thị trường hơn”.

Còn theo bà Phương Thảo, đại diện tập đoàn Vingroup, nếu Việt Nam có thể áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn của Nhật Bản vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu được đi hầu hết các nước trên thế giới. Tập đoàn Vingroup cũng muốn tham gia vào các dự án hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản, để đưa nông sản của Việt Nam sang Nhật và ngược lại.

Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với nền nông nghiệp công nghệ cao, sức cạnh tranh lớn cùng trình độ quản lý sản xuất tốt của Nhật Bản sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với nội dung tái cơ cấu của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở tăng cường hợp tác, liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sẵn sàng hợp tác

Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường tiềm năng với nhiều mặt hàng nông sản phong phú. Nếu Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo môi trường đầu tư minh bạch sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn.

Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam. Trong hội nghị hợp tác nông nghiệp năm ngoái có hơn 10 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia, trong năm nay con số đã tăng lên tới 25 doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thu hút mạnh mẽ hơn, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, cụ thể là xây dựng cơ chế, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan tới việc đầu tư, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xuất nhập khẩu.

Cùng quan điểm này, ông Fukada Hiroshi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Nhật Bản sẽ là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam trong nông nghiệp. Nhưng để hỗ trợ đầu tư, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ vấn đề kiểm dịch động thực vật, hỗ trợ chính sách, sự đảm bảo của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo lòng tin cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Hiện nay, nhiều công ty Nhật cũng đang mở rộng đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Đại diện Quỹ đầu tư Cool Japan cho biết, đang xây dựng chuỗi kho đông lạnh trị giá 15 triệu USD tại Bình Dương. Tháng 7/2016 các kho đông lạnh này sẽ đi vào hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản cho Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ cần thống nhất các thủ tục kiểm dịch động, thực vật vì hiện nay, mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu khác nhau.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, đang cùng các quỹ đầu tư hỗ trợ nông nghiệp ở Lâm Đồng xây dựng khu nông nghiệp 350 ha để sản xuất tập trung, trung tâm sau thu hoạch, tuyển chọn sản phẩm chất lượng cao theo mô hình Nhật. Tháng 9 tới, sẽ cung cấp cho các hộ nông dân ở Lâm Đồng máy móc để tuyển chọn sản phẩm nông sản chất lượng cao.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, Nhật Bản đang xem xét khả năng tiếp tục công tác hỗ trợ tàu kiểm ngư đã qua sử dụng, nâng cao kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa và Phú Yên, cũng như hỗ trợ trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại miền Trung Việt Nam.

H.V
Cạnh tranh hàng nông sản  ở mức khốc liệt
Cạnh tranh hàng nông sản ở mức khốc liệt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đùi gà Mỹ được nhập về bán với giá rẻ tại thị trường Việt Nam là “hồi chuông” cảnh báo hàng ngoại sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt với hàng nội. Thực tế này đòi hỏi lĩnh vực nông nghiệp phải nhanh chóng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng nâng cao tính cạnh tranh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN