Tỉnh Đồng Nai rất quan tâm xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực địa phương và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, để nông sản của tỉnh chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như rộng đường xuất khẩu. Hỗ trợ nông dân Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, nhằm hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu và uy tín chất lượng nông sản, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai chương trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm nông nghiệp và ứng dụng các đề tài khoa học phục vụ sản xuất.
Bưởi Tân Triều (Đồng Nai) đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Tính đến nay, toàn tỉnh có 11 nhãn hàng hóa được đăng ký bảo hộ, như: bưởi Tân Triều, sầu riêng Long Khánh, tiêu Xuân Lộc... Chương trình vẫn tiếp tục hỗ trợ cho nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, như: rau Thống Nhất, mãng cầu xiêm Cẩm Mỹ, xoài Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc)... Trong đó, các đơn vị đăng ký sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thực hiện.
Hiện Đồng Nai có khoảng 48.000 ha cây ăn quả; trong đó, có nhiều loại trái cây của Đồng Nai được coi là đặc sản, như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi, quýt, xoài, mít, bơ... với sản lượng khoảng hơn 500.000 tấn/năm. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất trái cây hiệu quả cao như vùng sản xuất xoài ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) và xã La Ngà (huyện Định Quán); bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh... hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Huyện sẽ tiến hành hỗ trợ các hợp tác xã, câu lạc bộ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý cho những loại trái cây, nông sản có ưu thế của địa phương. Như vậy sẽ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông dân và tăng sức cạnh tranh cho trái cây, nông sản”. Đến nay, huyện Xuân Lộc đã xây dựng được thương hiệu và đăng ký và được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho tiêu Xuân Lộc và xoài Suối Lớn. Tới đây sẽ là thanh long ruột đỏ, sầu riêng, cà phê cũng sẽ được huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu.
Hình thành cánh đồng chuyên canh lớn Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh có quy hoạch cánh đồng lớn cho 19 loại cây trồng, như: cà phê, tiêu, cao su, bưởi, chuối, sầu riêng... Tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho mô hình này để thu hút doanh nghiệp, nông dân tham gia.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 3 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, gồm: dự án cánh đồng lớn liên kết cây điều tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom); dự án cánh đồng lớn cây ca cao tại các huyện: Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú; dự án cánh đồng lớn cây mía tại huyện Vĩnh Cửu. Trong đó, 2 dự án với cây mía và cây ca cao đang tiến hành triển khai. Cụ thể, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) đã vận động được 114 hộ tham gia trồng mới với diện tích gần 34 ha. Nhà máy đường Biên Hòa đã cung ứng giống, thực hiện nạo vét 409 m kênh mương phục vụ nước tưới và tiêu thoát nước để nông dân trồng 61 ha mía tại ấp 1, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu).
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu sản xuất rải vụ để có năng suất cao, tránh được sâu bệnh; đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch để hạn chế thất thoát, tăng lợi nhuận cho nông dân, đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng diện tích và hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty DONA TECHNO (thị xã Long Khánh), một trong những doanh nghiệp đầu tiên đưa trái sầu riêng sạch thâm nhập thị trường Mỹ cho biết, tín hiệu cho trái cây xuất khẩu vào những thị trường mới đầy tiềm năng là rất tốt. Cái chính hiện nay là chúng ta phải thay đổi cách thức canh tác, áp dụng công nghệ để biến những tín hiệu đó thành hiện thực. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đóng vai trò tích cực trong việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, hỗ trợ người nông dân nắm bắt các tiến bộ khoa học để có những sản phẩm tốt, chất lượng cao.