Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin Reuters ngày 25/1, một nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản cho rằng "nếu TPP bị giảm giá trị do đưa Trung Quốc vào hiệp định này, thì sẽ không còn giá trị gì để đầu tư công sức nhằm đạt được thỏa thuận này. Thương lượng với Trung Quốc với khả năng thay đổi cái đã ký kết là không khôn khéo".
Theo quan điểm của của Nhật Bản, TPP là một phần chủ chốt của liên minh Mỹ - Nhật. Phát biểu trước Thượng viện Nhật Bản ngày 25/1, Thủ tướng Shinzo Abe nói: "Tôi cho rằng Tổng thống Trump cũng hiểu về tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng và tôi muốn ông ấy hiểu được ý nghĩa kinh tế và chiến lược của TPP".
Trung Quốc hiện chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng về việu liệu nước này có quan tâm đến việc tham gia TPP hay không. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 16 nước, song cho đến nay, tiến trình cho RCEP diễn ra chậm chạp.
Trước đó, trong ngày làm việc chính thức đầu tiên tại Phòng Bầu dục hôm 23/1, tân Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi TPP, qua đó hiện thực hóa cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016.
Tổng thống Trump cho rằng TPP, hiệp định có sự tham gia của Mỹ và 11 đối tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, gây phương hại cho khu vực sản xuất của Mỹ và lấy mất công ăn việc làm của người dân nước này.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên TPP đã khẳng định tiếp tục đưa hiệp định này đến đích cuối cùng. Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở thủ đô Lima của Peru, các nước cũng đã thảo luận về việc thúc đẩy một TPP không có sự tham gia của Mỹ.
Là hiệp định thương mại lớn nhất trong 20 năm, TPP theo kế hoạch ban đầu sẽ có sự tham gia của Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ TPP để đưa hàng hóa Mỹ thâm nhập các thị trường châu Á và tạo ra khối thương mại đối trọng với Trung Quốc.