Khả năng nhập siêu mạnh vào cuối năm
Sau nhiều tháng xuất siêu từ đầu năm, tháng 5/2016 nhập siêu đã trở lại. Theo thống kê của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kì. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 5 đạt 15 tỷ USD, chỉ tăng 0,9% so với cùng kì. Do đó, đã dẫn đến nhập siêu khoảng 400 triệu USD. Con số này chưa đáng lo so với kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả 5 tháng đầu năm, cả nước vẫn xuất siêu khoảng 1,36 tỷ USD.
Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, xu hướng nhập siêu có thể gia tăng từ nay đến cuối năm. Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch giải thích đó là do nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ xây dựng các cơ sở hạ tầng. Nhu cầu này sẽ tăng mạnh vào cuối năm.
Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). |
Cũng theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên việc thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để mở mang sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các hiệp định. Do đó, dự báo trong năm 2016 Việt Nam tiếp tục nhập siêu nhưng sẽ nằm trong kiểm soát dưới mức 5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Phân tích sâu hơn về nhóm doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, DN trong nước nhập siêu 7,74 tỷ USD; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,10 tỷ USD. Nhìn vào số liệu này ta thấy, xuất siêu hiện nay chủ yếu dựa vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Còn các DN trong nước vẫn nhập siêu là chủ yếu. Do đó, khi những mặt hàng chủ chốt của các DN có vốn đầu tư nước ngoài như sản phẩm gỗ, điện thoại di động, các loại linh kiện... đã đạt ngưỡng xuất khẩu tối đa, khó tăng trưởng thêm thì nguy cơ nhập siêu quay trở lại rất cao.
Chủ yếu nhập máy móc, nguyên liệu
Nhìn lại năm 2015, cán cân thương mại cả nước đã thâm hụt 3,2 tỷ USD. Đây là năm nhập siêu quay trở lại sau 3 năm liên tiếp chúng ta xuất siêu. Xu hướng này được các chuyên gia kinh tế dự báo tiếp tục diễn ra trong năm 2016 này và các năm tiếp theo.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thâm hụt thương mại phản ánh cơ cấu kinh tế Việt Nam còn thiếu bền vững, bên cạnh lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên thì sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào máy móc và nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, nhập siêu không phải là vấn đề quá lo lắng đối với một nền kinh tế mà gia công để xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế như nước ta.
Trong cơ cấu nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay, nhóm hàng cần nhập khẩu vẫn chiếm đến gần 88%. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu nhập khẩu hàng hóa về để tiêu dùng thì không có lợi cho nền kinh tế nhưng trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị để sản xuất hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Do đó, nền kinh tế được lợi vì điều này thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách nhà nước và còn góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
“Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chưa đáp ứng được về nguyên phụ liệu, máy móc, nếu không nhập khẩu mạnh nguyên vật liệu, thiết bị, linh kiện, phụ tùng máy móc thì không thể tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm ở mức 2 con số”, ông Lâm nói.
Tận dụng những hiệp định thương mại đã kí kết, thời gian qua, nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nước đã gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2016, các mặt hàng Nhật Bản được nhập khẩu vào Việt Nam đứng thứ nhất vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (hơn 1,2 tỷ USD).
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Thời gian qua chúng ta đã kiểm soát được nhập siêu, hạn chế nhập những mặt hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng giá trị lớn, đồng thời khuyến khích nhập khẩu những mặt hàng cần nhập khẩu. “Khi ta đã tham gia sâu rộng vào toàn cầu hóa, những làn sóng đầu tư mới ngày càng mạnh thì sẽ gia tăng nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ các ngành sản xuất đó. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng yêu cầu”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian tới Nhà nước sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường nội địa. Đó chính là biện pháp kiềm chế nhập siêu, hướng đến năm 2020 Việt Nam có một cán cân xuất nhập khẩu bền vững và ổn định.
Còn trước mắt, để đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm 10% theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, đại diện Bộ Công Thương cho rằng các tháng tiếp theo cần phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA mới để khai thác sâu hơn các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng.