Nhân dân tệ mất giá: Vẫn trong mức kiểm soát

Việc đồng Nhân dân tệ (CNY) liên tục giảm giá thời gian qua đang là vấn đề đáng lưu ý trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước bởi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Chú thích ảnh
Đồng 100 Nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam thì khi Nhân dân tệ mất giá sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới tiền đồng Việt Nam (VND).

“Thời gian qua Nhân dân tệ mất giá từ 7 - 8%, nhưng VND giảm hơn 2%, đây là mức độ trung bình có thể chấp nhận được của thị trường hiện nay” ông Phạm Hồng Hải nói.

Ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, Việt Nam phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước nên những ảnh hưởng này vẫn nằm trong mức kiểm soát và sẽ không bị biến động nhiều như các đồng tiền khác trong khu vực. Đặc biệt khi chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã có sự thay đổi tích cực.

“Nếu năm 2016, khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã kìm tỷ giá một thời gian dài, đồng thời dùng dự trữ ngoại tệ để can thiệp vào thị trường và chỉ phá giá sau một thời gian khi không can thiệp được nữa.

Chính việc phá giá rất mạnh này đã tạo ra tâm lý bất ổn trên thị trường. Nhưng thời điểm hiện nay cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi rất nhanh, điều chỉnh nhanh cho thị trường tiền tệ để cung và cầu gặp nhau, giúp tỷ giá ở mức ổn định hơn rất nhiều và người mua người bán có thể giao dịch” ông Phạm Hồng Hải chia sẻ.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào đầu tháng 8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam hiện là đối tác với nhiều nước trên thế giới. Do đó, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải tính đến rất nhiều đồng tiền khác.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì từ ngày 4/1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chuyển sang điều hành theo cơ chế tỉ giá trung tâm dựa trên những yếu tố diễn biến các đồng tiền của đối tác thương mại, chủ yếu của Việt Nam, bao gồm cả đồng Nhân dân tệ cũng nằm trong giỏ tính toán xác định tỉ giá trung tâm hàng ngày.

Để bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, điều hành thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ căn cứ vào diễn biến tỉ giá trung tâm mà còn nhiều yếu tố khác như lãi suất, thanh khoản…để phối hợp với chính sách tài khoá, điều tiết bảo đảm mục tiêu đề ra.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, lưu tâm đến lộ trình và tác động của việc tăng lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tác động của việc này, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, động thái của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng như tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước để điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại phiên giao dịch ngày hôm nay (23/8), 1 đồng Nhân dân tệ đổi được 0,1462 USD; 1 đồng Nhân dân tệ đổi được 3.313 đồng.

Thùy Dương (TTXVN)
Vàng lên giá khi USD giảm so với Nhân dân tệ
Vàng lên giá khi USD giảm so với Nhân dân tệ

Trong phiên giao dịch ngày 7/8, giá vàng phục hồi sau khi rơi xuống gần mức 1.200 USD/ounce do đồng USD giảm giá so với đồng NDT của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN