Nguy cơ khủng hoảng tài chính vẫn rình rập

Thế giới vẫn chưa quên được những hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra cách đây 10 năm, khởi nguồn từ việc ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD.

Những dư chấn từ cuộc khủng hoảng tồi tệ này phần lớn đã được khắc phục, song những nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mới thì dường như vẫn hiện hữu.

Chú thích ảnh
Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ đệ đơn xin bảo hộ phá sản với khoản nợ lên tới 619 tỷ USD. Ảnh: theguardian.com

Tháng 9/2008, chỉ trong vòng vài ngày, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư nước Mỹ Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, khiến chỉ số Dow Jones giảm trên 500 điểm và chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ mất tới 1.100 tỷ USD, gây hoảng loạn toàn bộ các thể chế tài chính. Nguyên nhân là do ngân hàng đã vay quá nhiều vốn và dùng phần lớn khoản tiền này vào những thương vụ đầu tư tài sản có rủi ro cao, trong đó có việc cung cấp các khoản vay dưới chuẩn cho người mua nhà.

Lo sợ số phận tương tự Lehman Brothers, ngân hàng Merrill Lynch đã phải “bán mình” cho Bank of America với giá 50 tỷ USD. Chính phủ Mỹ phải bỏ ra 85 tỷ USD để giúp tập đoàn bảo hiểm AIG lớn nhất thế giới cầm cự khi tập đoàn này hầu như mất khả năng thanh toán do những khoản thua lỗ khổng lồ liên quan nợ cầm cố. Các “ông lớn” ngân hàng khác lâm vào cảnh nguy khốn, trong đó có Morgan Stanley, Goldman Sachs, Citigroup... Một tháng sau, Quốc hội Mỹ phải thông qua gói cứu nguy 700 tỷ USD, không những để cứu các ngân hàng và các định chế tài chính khác mà còn rót tiền vào những hãng sản xuất cũng đang trên đà phá sản như General Motors và Chrysler.

Sự kiện Lehman Brothers tháng 9/2008 bị xem là ngòi nổ gây nên cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 trên quy mô toàn cầu. Hoạt độnggiao dịch liên ngân hàng hầu như bị tê liệt, hàng chục triệu người mất nhà ở, hàng trăm triệu người mất việc làm và hàng nghìn tỷ USD tài sản bị “bốc hơi”,khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009.

Khi “cơn đại hồng thủy” khủng hoảng lan tới châu Âu, hệ thống ngân hàng Iceland đã sụp đổ ngay trong những ngày đầu tiên với khoản nợ tổng cộng 85 tỷ USD - lớn gấp đôi so với vụ vỡ nợ 40 tỷ USD của Nga năm 1998. Thị trường tiền tệ giữa các ngân hàng đã cạn vốn, buộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải bơm tiền không giới hạn theo yêu cầu của các ngân hàng.

Khoảng 50 ngân hàng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tìm kiếm 95 tỷ euro (110 tỷ USD) tiền mặt, một khoản tiền khổng lồ chỉ đứng sau 100 tỷ euro (116 tỷ USD) mà ECB đã bơm vào thị trường sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vốn bắt nguồn từ hiện tượng vỡ bong bóng tín dụng nhà ở Mỹ lại châm ngòi cho một “bi kịch mới” - khủng hoảng nợ công của Liên minh châu Âu (EU) và mắt xích đầu tiên bị tác động là Hy Lạp.

Tại châu Á, sự kiện tập đoàn bảo hiểm Nhật Bản Yamato Life Insurance Co. tuyên bố phá sản sau gần 100 năm hoạt động được coi là bước đánh dấu cuộc khủng hoảng đã “vươn vòi” tới châu Á.

Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải thực hiện các biện pháp chưa từng có tiền lệ để giải cứu kinh tế toàn cầu. Với vai trò là “người chỉ huy dập lửa”, các ngân hàng trung ương đã vượt qua mọi ranh giới khi triển khai hàng loạt những công cụ bất thường mà không để tâm đến hậu quả.

Khi tín dụng cạn kiệt sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, các ngân hàng giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và thậm chí là lãi suất âm, tiếp đó là bơm tiền ồ ạt vào hệ thống tài chính. Với hy vọng khuyến khích việc cho vay và thúc đẩy chi tiêu, họ đã cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng khác, bắt đầu mua trái phiếu chính phủ và công ty trong kế hoạch kích thích kinh tế mang tên “nới lỏng định lượng” (QE).

Vẫn còn nhiều tranh cãi về tác động của các biện pháp này, song về cơ bản, nền kinh tế thế giới đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2008. Tuy nhiên, trước những diễn biến địa chính trị mới, căng thẳng thương mại leo thang và tỷ lệ nợ tăng cao, nguy bất ổn vẫn đang rình rập.

Sau nhiều năm duy trì lãi suất thấp và cho vay giá rẻ, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới bắt đầu đối mặt với chướng ngại tiếp theo, đó là làm sao để giảm nhẹ khủng hoảng mà không ảnh hưởng đến quá trình phục hồi. Nhà phân tích của ngân hàng ING Diba Carsten Brzeski cho rằng đây là một thách thức vô cùng lớn, bởi việc duy trì trạng thái cân bằng đã bị phức tạp hóa do các yếu tố không chắc chắn.

Với việc mạnh tay can thiệp vào thị trường, các ngân hàng trung ương sẽ không thể quay lại các biện pháp trước đây. Câu hỏi đặt ra là khi nào, bằng cách nào các ngân hàng trung ương có thể giảm bớt gói kích thích kinh tế khổng lồ để đảm bảo duy trì được nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn suy thoái tiếp theo, mà không làm chấn động các thị trường. Nhiều thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã trở nên phụ thuộc vào chính sách nới lỏng tiền tệ để thanh toán nợ, và bất kỳ sự thay đổi chính sách đột ngột nào cũng thể gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Giám đốc khoa nghiên cứu kinh tế của trường quản lý IESEG (Pháp) Eric Dor đánh giá các nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc hướng tới mục tiêu lạm phát vào khoảng 2% là hành động vô ích, khi có nhiều nhân tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Kể cả khi ECB đạt được mục tiêu lạm phát, nhà kinh tế học Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định điều này chủ yếu là do gói kích thích kinh tế quá lớn chưa từng có tiền lệ và hiện chưa thể dự báo được hệ quả một khi “liều thuốc” này bị rút lại.

Việc Mỹ đang ở vị trí trung tâm của các tranh cãi thương mại khi Tổng thống Donald Trump triển khai chính sách “Nước Mỹ trước tiên” cũng khiến triển vọng kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld tại IMF cảnh báo rằng “nguy cơ các căng thẳng thương mại hiện nay leo thang hơn nữa… là đe dọa gần kề lớn nhất đối với tăng trưởng toàn cầu”. FED - ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - cũng nhất trí gần như hoàn toàn với cảnh báo trên, khi nhấn mạnh rằng sự leo thang trong các tranh cãi thương mại quốc tế tiềm ẩn nguy cơ kéo lùi hoạt động thực.

Nhà phân tích Joerg Kraemer của ngân hàng Commerzbank (Đức) cảnh báo rằng dù nhà chức trách đã buộc các ngân hàng phải trở nên vững vàng hơn kể từ năm 2008, song nguy cơ nổ ra bong bóng vẫn hiện hữu. Cựu Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet nhận định nợ quá lớn khiến hệ thống tài chính trở nên dễ bị tổn thương giống như 10 năm trước. Theo cơ quan tư vấn tài chính McKinsey, trong thời gian 2007-2017,  nợ công của các chính phủ tăng với nhịp độ 9,7% một năm thay vì 5,8% thời kỳ tiền khủng hoảng. Nợ công trên thế giới đã tăng thêm 25.000 tỷ USD trong 10 năm qua. Lo ngại một số quốc gia mất khả năng thanh toán vẫn chưa được xua tan.

Theo chuyên gia Aaron Klein thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nền kinh tế thế giới đã và đang hồi phục trong khoảng thời gian 10 năm, song vẫn có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng khác dù chưa biết rõ nguyên nhân. Cùng chung quan điểm này, chuyên gia về rủi ro chính trị Ian Bremmer thuộc Tập đoàn Eurasia đặt ra câu hỏi liệu các cường quốc thế giới ngày nay có phản ứng hiệu quả như hồi năm 2008 hay không.

Rõ ràng những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát 10  năm trước vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách tìm ra được biện pháp mới có thể giải quyết hiệu quả vấn đề này bởi “những liều thuốc cũ” đã khiến thị trường bị phụ thuộc trong thời gian dài và mất đi tác dụng vốn có.

Đặng Ánh (TTXVN)
Nước Mỹ đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính nông nghiệp
Nước Mỹ đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính nông nghiệp

Nguy cơ các nước khác đánh thuế trả đũa đối với các mặt hàng nông sản của Mỹ và tác động từ các chính sách khác của Tổng thống Donald Trump về nhập cư và nhiên liệu sinh học đã khiến các nhà nông ở Mỹ lo lắng hơn bao giờ hết về khả năng “sinh tồn” của họ trong ngành nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN