Nước Mỹ đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính nông nghiệp

Nguy cơ các nước khác đánh thuế trả đũa đối với các mặt hàng nông sản của Mỹ và tác động từ các chính sách khác của Tổng thống Donald Trump về nhập cư và nhiên liệu sinh học đã khiến các nhà nông ở Mỹ lo lắng hơn bao giờ hết về khả năng “sinh tồn” của họ trong ngành nông nghiệp.

Lúa mì trên cánh đồng tại Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Những đe dọa đánh thuế trước đó của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã khơi mào các biện pháp trả đũa nhanh chóng từ các nước này, từ đó làm giảm giá của một số mặt hàng nông sản của Mỹ, như ngô, đậu tương và thịt lợn. Ngay cả trước khi thuế nhập khẩu của Mỹ đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD có hiệu lực vào ngày 6/7 vừa qua và Trung Quốc đáp trả với các mức thuế của mình, các nhà nông của Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng từ biến động giá hàng hóa, giá đất tăng và các yếu tố khác vốn đã khiến tổng thu nhập của họ giảm đi một nửa trong những năm trở lại đây.

Trước khi các bên đe dọa đánh thuế và trả đũa lẫn nhau, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã dự đoán nguồn thu từ nông nghiệp của Mỹ trong năm nay sẽ giảm xuống còn 60 tỷ USD, chỉ bằng 50% con số 120 tỷ USD cách đây 5 năm. Và giờ đây với những gì đang diễn ra, con số dự đoán này có lẽ vẫn còn cao.

Giá mỗi bushel đậu tương ( 1 bushel đậu tương = 27,2 kg) đã giảm 19% kể từ đầu tháng Năm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, còn giá mỗi bushel ngô ( 1 bushel ngô = 25,4 kg) mất hơn 15%. Tại các mức giá hiện tại, hầu hết các nhà nông Mỹ đã bị lỗ với các mặt hàng ngô, đậu tương và thịt lợn.

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế của đại học Iowa State University, các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ có thể lỗ hơn 2 tỷ USD/năm vì giá trong các hợp đồng kỳ hạn giảm mạnh do các mức thuế trả đũa của Trung Quốc. Ông Jim Heimerl, Chủ tịch Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ, cho rằng điều này đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất thịt lợn sẽ có ít thu nhập hơn và cuối cùng nhiều người sẽ phải “bỏ cuộc chơi”.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã hứa hẹn rằng Tổng thống Trump sẽ "phục hồi" khả năng sinh lời trong lĩnh vực nông nghiệp cho các nhà nông Mỹ, nhưng lại không nói rõ ông Trump sẽ thực hiện điều này bằng cách nào. Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi rằng chính quyền Washington sẽ không thể tìm đâu ra hàng tỷ USD để bù đắp cho các khoản lỗ của nông dân.

Ông Scott Irwin, chuyên gia nông nghiệp của đại học University of Illinois, cho rằng nếu tình hình này tiếp diễn, và Bộ Nông nghiệp không tìm ra giải pháp để can thiệp và bù đắp những thiệt hại cho các nhà sản xuất ngô trong mùa Thu này, thì sẽ không có gì ngạc nhiên nếu xảy ra nhiều cuộc biểu tình trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm sau.

Trong khi đó, tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác chưa có dấu hiệu sẽ được hóa giải nhanh chóng. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới đây ra thông báo cho biết chính quyền nước này sẽ áp thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sớm nhất là từ tháng Chín năm nay. Động thái đó có thể tiếp tục làm gia tăng những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đề xuất áp thuế bổ sung được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/7 đã tiến hành đợt áp thuế đầu tiên đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc và dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc trong vòng hai tuần sau đó. Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng thực hiện các biện pháp đáp trả về thuế quan đối với Washington, từ đó đặt nhiều mặt hàng nông sản của Mỹ trước nguy cơ bị đánh thuế cao.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thì các chính sách nhập cư cứng nhắc của Tổng thống Trump khiến các nhà sản xuất thịt lợn còn khó khăn hơn trong việc tuyển dụng nhân công, trong khi 1/3 nhân lực của các nhà sản xuất này thường là những người nhập cư. Trước đó, ngành sản xuất thịt lợn Mỹ đã lên kế hoạch mở rộng nhanh chóng để nắm bắt nhu cầu đang gia tăng ở Trung Quốc và Mexico, nhưng giờ đây, tình hình căng thẳng thương mại và những cuộc truy lùng người nhập cư ở một nhà máy đóng gói thịt ở Tennessee và một nhà máy khác ở Iowa đã khiến các nhà sản xuất thịt lợn không khỏi lo lắng.

Ông Heimerl cho biết những người lao động nước ngoài, cả lành nghề và không lành nghề, đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong ngành chăn nuôi và sản xuất thịt lợn, cũng như đem lại luồng sinh khí mới cho các vùng sâu vùng xa trên khắp nước Mỹ.

Theo ước tính, việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng miễn cho các nhà máy lọc dầu không phải trộn ethanol vào nhiên liệu đã khiến cho 250 triệu bushel ngô có nguy cơ không có đầu ra, từ đó "góp phần" đẩy giá mặt hàng này xuống sâu hơn nữa.

Ông Scott Irwin, chuyên gia nông nghiệp của đại học University of Illinois nhận định rằng tình hình này có khả năng sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính nông nghiệp tồi tệ nhất nước Mỹ kể từ những năm 1980.

Khánh Ly (TTXVN)
Trung Quốc cảnh báo áp thuế trả đũa sẽ 'hủy hoại' thương mại Mỹ - Trung
Trung Quốc cảnh báo áp thuế trả đũa sẽ 'hủy hoại' thương mại Mỹ - Trung

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ của Trung Quốc, ngày 11/7, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương cảnh báo việc áp thuế trả đũa lẫn nhau sẽ "hủy hoại" thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN