Nhà vườn cho biết, hiện dừa khô được thương lái thu mua với giá dao động từ 55.000 - 60.000 đồng/chục (12 trái), tăng khoảng 40.000 đồng so với trước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho hay, hơn 1,5 ha đất trồng dừa khô nguyên liệu của gia đình mỗi lần thu hoạch được gần 2.000 trái dừa. Thời gian qua, giá dừa xuống thấp nên ông đành "treo trái" từ 2 - 3 tháng mới thu hoạch một lần để chờ giá tăng.
Ông Thanh cho biết thêm, nếu như đầu năm 2023, người trồng dừa “chết đứng” khi giá dừa khô nguyên liệu xuống thấp chỉ ở mức khoảng 15.000 - 20.000 đồng/chục thì nay giá dừa tăng lên 55.000 - 60.000 đồng/chục (sau khi trừ chi phí thu hoạch). Việc giá dừa khô tăng mạnh trở lại sau hơn hai năm tụt dốc, khiến bà con trồng dừa rất phấn khởi bởi cây dừa là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở Bến Tre.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay, diện tích dừa của Bến Tre tuy lớn nhất nước nhưng so với thế giới thì rất nhỏ bé. Vì vậy, những biến động giá dừa của thế giới sẽ tác động rất lớn đối với mặt hàng dừa của tỉnh.
Thời gian tới, nếu khơi thông được thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và Trung Quốc thì giá dừa sẽ ổn định hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để giá dừa bền vững thì cần chủ động tạo ra những mặt hàng có giá trị cao, ví dụ như xây dựng mã vùng trồng cho dừa, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP) và sản xuất hữu cơ.
Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường chế biến, xuất khẩu để tạo ra những mặt hàng có giá trị cao. Qua đó, chuỗi giá trị cây dừa mới tạo được giá trị tăng thêm và những nhân tố chủ thể trong chuỗi mới được thuận lợi, ông Huỳnh Quang Đức phân tích.
Bến Tre được xem là “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích hơn 78.000 ha, chủ yếu là dừa khô nguyên liệu, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu sản xuất dừa ở Bến Tre nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư của ngành dừa của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, từ tình hình biến động giá dừa không thuận lợi thời gian qua, mặc dù nguyên nhân chính là do ảnh hưởng tác động của thế giới nhưng cũng bộc lộ một số điểm hạn chế mà ngành sản xuất dừa của tỉnh cần phải hoàn thiện trong thời gian tới.
Cụ thể, tới đây, địa phương sẽ chú trọng kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân, tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; trong đó, ưu tiên phát triển và mở rộng vùng dừa hữu cơ.
Bên cạnh đó, ngành chức tăng tỉnh cường tư vấn và hỗ trợ người trồng dừa các giải pháp kỹ thuật, thông tin thị trường, tăng năng lực thực thi các cam kết phát triển vùng sản xuất hàng hóa gắn chuỗi giá trị thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế minh bạch, có tính ràng buộc cao.
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thành công trong việc tạo vùng sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, theo phương châm “Mảnh vườn nhỏ, sản xuất lớn”. Đến nay, toàn tỉnh có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 5.648 ha.