Thời gian qua, giá dừa khô nguyên liệu xuống thấp kéo dài, thu nhập từ 4.000 m2 đất trồng dừa của gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) không đủ chi phí tái đầu tư cho cây dừa. Ông Hải cho hay, hơn một năm qua trung bình mỗi tháng thu nhập từ vườn dừa khoảng 1,2 triệu đồng. Trong khi, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bồi đất tạo phù sa cho cây dừa…tăng cao.
Theo ông Hải, hiện nay giá phân bón, thước bảo vệ thực vật, thuê nhân công tăng cao hơn 40% trở lên so với trước đây. Do vậy người dân không đủ chi phí trang trải trong khi giá dừa xuống thấp.
Ông Hải phân tích, chi phí đầu tư mỗi năm cho 1.000 m2 (1 công) tối thiểu 3 triệu đồng/năm, tuy nhiên hiện hay thu nhập từ vườn dừa của gia đình không đủ để tái đầu tư sản xuất. Để cải thiện thu nhập ông Hải trồng xen các loại cây khác, tuy nhiên giá cả các loại cây khác như: bưởi, chanh, chuối…giá vẫn xuống thấp không thu được bao nhiêu. Hiện đang vào mùa hạn mặn, cây dừa cần có sự đầu tư bón phân, bồi phù sa để tạo dinh dưỡng ứng phó với hạn, mặn tốt hơn. Nếu không có đầu tư khi hạn, mặn tăng cao sẽ dẫn đến năng suất, chất lượng trái dừa giảm như các năm trước đã từng bị ảnh hưởng.
Ông Hải cho rằng đa số thu nhập kinh tế chính của người dân dựa vào cây dừa, do không thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Cho nên cần có chính sách hỗ trợ để giúp người dân an tâm phát triển bền vũng bên cây dừa.
Ông Trần Văn Hùng, xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết, các hộ dân trồng dừa hiện nay đa số là có diện tích nhỏ dưới 6.000 m2, do vậy thu nhập từ vườn dừa rất ít nếu giá dừa xuống thấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng thường xuyên của nước mặn xâm nhập nên không thể trồng xen các loại cây ăn quả. Cùng với đó, người dân trồng xen cỏ để chăn nuôi bò để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên hiện nay giá bò xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người dân bị thua lỗ, nông dân giảm đàn bò do không đủ điều kiện duy trì phát triển đàn bò.
Theo ông Hùng, trước đây khi giá dừa xuồng thấp nguồn thu từ các cây trồng xen hoặc chăn nuôi bò giúp nông dân có chi phí để duy trì sản xuất. Nhưng hiện nay, giá dừa xuống thấp, chăn nuôi thua lỗ, vật tư đầu vào tăng cao. Nên người dân gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn để tái đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đến cuối năm 2022, tổng diện tích dừa của tỉnh hơn 78 nghìn ha, tăng 768 ha, diện tích đang cho trái là hơn 71,4 nghìn ha, với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm; trong đó diện tích dừa uống nước khoảng 15.850 ha chiếm tỉ lệ 20,3%; dừa hữu cơ của tỉnh đạt 17,2 nghìn ha, đến năm 2025 ước đạt hơn 20 nghìn ha dừa hữu cơ, tập trung trên vùng sản xuất dừa công nghiệp. Hơn 70% người dân Bến Tre có kinh tế chủ yếu thu nhập từ cây dừa.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho hay, hiện ngành chức năng tỉnh Bến Tre kiến nghị bộ, ngành trung ương có kế hoạch kết nối lại với các thị trường. Nhất là thị trường Trung Quốc đây là thị trường truyền thống của ngành dừa Bến Tre. Bên cạnh đó, Bến Tre đang hướng người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng. Để khi kết nối lại với các thị trường, Bến Tre có đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch trái dừa qua thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới.
Ông Huỳnh Quang Đức chia sẻ, hiện nay diện tích sản xuất các hộ dân nhỏ lẻ, quy mô không lớn. Do vậy, ngành chức năng kêu gọi người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây dừa, sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng, đủ tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác vận động người dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất dừa, đến nay toàn tỉnh có 79 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã sản xuất dừa 1 trong đó tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 5.6 nghìn ha với hơn 6.200 thành viên.
Cùng đó, ngành chức năng đã có kiến nghị ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bến Tre tạo điều kiện người dân tiếp cận nguồn vốn với lãi xuất ưu đãi để người dân có vốn đầu tư vào cây dừa giúp người dân phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường công tác vận động nhân dân, doanh nghiệp quan tâm tiêu thụ sản phẩm dừa trong nước, doanh nghiệp tăng cường chế biến các sản phẩm từ trái dừa của người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đầu tư nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm mới, giá trị cao nhằm nâng cao giá trị của trái dừa.