Dồn lực để về đích
Bộ GTVT đang tích cực làm việc với đoàn chuyên gia Pháp để thống nhất quan điểm trước khi đơn vị tư vấn độc lập này có báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông. Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành thời gian chạy thử toàn hệ thống, nhưng Bộ GTVT vẫn yêu cầu tiếp tục chạy thử để công tác vận hành nhuần nhuyễn trước khi đưa vào khai thác thương mại và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, khai thác.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong quá trình vận hành thử nghiệm, tư vấn Pháp, tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Metro Hà Nội cùng giám sát chéo để đánh giá và thống nhất mức độ an toàn. Hiện nay, trên công trường dự án, tất cả các hạng mục đều đang rà soát lần cuối, dồn sức để hoàn thiện những công đoạn còn lại của dự án và ấn định thời điểm bàn giao dự án cho TP Hà Nội. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ lùi tiến độ bàn giao đến ngày 31/3 và đã được Thủ tướng chấp thuận.
“Từ đầu năm đến tháng 6/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng thầu, tư vấn giám sát và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống không thể đưa nhân sự sang Việt Nam để thực hiện các công việc còn lại của dự án. Đồng thời, do vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng trọn gói và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước chưa được tháo gỡ, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án kéo dài. Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3”, ông Nguyễn Khánh Tùng thông tin.
Đánh giá dự án theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án hiện đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống với hơn 70.000 km vận hành và hàng nghìn lượt tàu chạy, được người dân ghi nhận. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án, nhưng đến thời điểm này đã hoàn thành vận hành thử, không thể tiếp tục kéo dài. Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm trực tiếp đối với dự án, vì vậy, cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung cao độ, ưu tiên đặc biệt, huy động tất cả nhân lực để hoàn thành và bàn giao.
An toàn là ưu tiên hàng đầu
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, từ ngày 12-31/12/2020, dự án đã được chạy liên động để đánh giá an toàn trên toàn hệ thống. Từ thời điểm đó đến nay, Bộ GTVT đã nhận được báo cáo tư vấn đánh giá toàn hệ thống, trong đó có nhiều khuyến cáo về an toàn hệ thống của các thiết bị nhà thầu cung cấp phải làm rõ thêm và bổ sung thêm những giải pháp để đảm bảo an toàn, siết chặt cứu hộ cứu nạn khi xảy ra các tình huống.
Trước đó, đầu tháng 1/2021, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội) và các ban ngành đã kiểm tra công tác PCCC của dự án. Sau kiểm tra, đơn vị này đã đưa ra khuyến nghị một số tồn tại tại dự án này như: Các nhà ga trên tuyến được xây dựng gần nhà dân, lối lên xuống, tường ngăn tiếp giáp với công trình xung quanh; tư vấn giám sát PCCC của dự án này chưa được cấp chứng chỉ hành nghề do không có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam...
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt tập trung rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC tại các nhà ga để xem xét nghiệm thu. Một số nhà ga xây dựng gần cây xăng, Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội thông báo dừng hoạt động, di dời cây xăng trước khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt. Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Công an hỗ trợ nghiệm thu PCCC có điều kiện, các tồn tại sẽ được hoàn thiện trong thời gian vận hành để dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể đưa vào vận hành đúng mốc thời gian trên.
“Sau khi Bộ GTVT bàn giao, UBND TP Hà Nội có thể tiếp tục vận hành và đánh giá thêm hoặc tiến hành vận hành thương mại. Vấn đề an toàn hệ thống của dự án được tư vấn Pháp đánh giá tốt. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các hạng mục liên quan", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Về phía UBND TP Hà Nội, các cơ quan liên quan cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, kỹ thuật, phương án khai thác để khi tiếp nhận có thể vận hành khai thác ngay, đảm bảo hiệu quả, liên thông với các phương tiện công công khác.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông dài hơn 13 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).