Người dân Phú Thọ 'khát' vốn mở rộng sản xuất kinh doanh

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ đã giúp cho hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh mở rộng, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu  trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, hầu hết hộ vay đều mong muốn được tăng nguồn vốn và hạn mức phục vụ sản xuất.

Hiệu quả từ vốn tín dụng ưu đãi

Cách trung tâm thành phố Việt Trì chừng 80km, chúng tôi về thăm vườn bưởi đặc sản Đoan Hùng của gia đình chị Đặng Thị Ngân, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng.

Một hộ gia đình huyện Tân Sơn, Phú Thọ phát triển chăn nuôi lợn rừng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Với quy mô hơn 50 gốc bưởi đặc sản đã cho thu hoạch nhiều năm nay, có những cây bưởi to tuổi đời từ 70 - 80 năm. Chị Ngân cho biết, hơn 50 gốc bưởi này, bình quân thu hơn 100 triệu đồng tiền lãi mỗi năm nhưng vẫn thiếu vốn do đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi cũng như việc chăm sóc, cải tạo lại vườn để có năng suất cao hơn.

Năm 2015, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đoan Hùng cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm chị Ngân đã dành toàn bộ số tiền này để đầu tư cải tạo, mua phân bón để chăm sóc cho vườn bưởi. Nhờ đó, cây bưởi đã cho thu nhập cao hơn hẳn so với mọi năm, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động tại gia đình.

Cũng là nguồn vốn giải quyết việc làm nhưng mỗi hộ lại có cách làm riêng, đầu tư khác nhau. Nếu như hộ chị Ngân vay vốn đầu tư thâm canh mô hình cây ăn quả, thì hộ gia đình anh Nguyễn Quốc Tuyển, khu 2, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông lại đầu tư mở xưởng sản xuất đồ gỗ.

Anh Tuyển cho hay, năm 2014 đang lúc khó khăn về vốn, anh được vay 20 triệu đồng từ Quỹ vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tam Nông. Số tiền này anh đầu tư mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình, mua thêm máy xẻ, máy bào, tuyển thêm lao động phụ giúp, nâng công suất sản xuất từ vài chục sản phẩm mộc dân dụng lên trên 100 sản phẩm/năm

Sau 3 năm anh đã trả hết vốn vay. Đến nay, hoạt động sản xuất của gia đình đã mở rộng ra nhiều ngành nghề khác ngoài xưởng mộc như: sản xuất gạch không nung, làm khung nhôm cửa kính, dịch vụ giải khát... tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Trên thực tế, ở hầu hết các dịa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội rất quan trọng đối với địa phương, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân địa phương khá cao nhưng nguồn vốn phân bổ chưa đủ nên nhiều người dân đề nghị ngân hàng chính sách cũng như Nhà nước bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình này.

Khát vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ, tính đến hết tháng 8/2017, số dư nợ của chương trình vay vốn giải quyết việc làm đã đạt trên 84 tỷ đồng với gần 2.900 hộ vay, giúp cho  trên 30 nghìn lao động được vay vốn giải quyết việc làm.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ phấn đấu từ nay đến năm 2020, tổng dư nợ đạt trên 100 tỷ đồng giải ngân thông qua nguồn vốn này. Tuy nhiên, đa số các hộ đã và đang vay vốn giải quyết việc làm cho rằng, ngành ngân hàng cần tăng thêm nguồn vốn cho vay và hạn mức.

Anh Đỗ Trung Kiên, xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng cho hay, năm trước được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đoan Hùng cho vay 20 triệu đồng đầu tư trồng cây keo. Sau 6 năm anh đã trả được số tiền vay của ngân hàng. Sau đó, anh Kiên lại vay 50 triệu đồng để trồng bưởi, cam và mở rộng xưởng xẻ gỗ.

Anh Kiên cho biết, số tiền vay 50 triệu đồng chỉ đủ mua giống cây, không đủ để mở rộng xưởng xẻ gỗ. Một số phí khác như phân bón, cải tạo vườn, công chăm sóc… cũng mất kha khá tiền nên anh mong muốn ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho vay thêm, thời gian trả nợ dài hơn để kịp quay vòng đầu tư. Có như vậy việc sản xuất sẽ hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Đình Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đoan Hùng, thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm, ngân hàng đã giải ngân cho hơn 150 hộ với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn của chương trình giải quyết việc làm còn hạn chế nên còn nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Trên thực tế, đánh giá của chính quyền, hội đoàn thể các địa phương cho thấy, thời gian qua cơ chế quản lý, cho vay nguồn vốn theo chương trình quốc gia về giải quyết việc làm có nhiều đổi mới đã tạo ra sự thông thoáng, hiệu quả đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ việc làm.

Nhìn chung các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn, diện vay vốn rộng, vốn được quay nhiều vòng. Nhờ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Thông qua chương trình đã xuất hiện nhiều các điển hình về làm kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn có ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, chương trình cho vay giải quyết việc làm là 1 trong 13 chương trình quan trọng mà ngân hàng quan tâm, triển khai nhằm tạo điều kiện cho những hộ có nhu cầu vay vốn đầu tư sản suất, chăn nuôi…

Hiện nay theo quy định cho vay hợp tác xã và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ mức cho vay lên đến 1 tỷ đồng. Đối với hộ cá nhân thì cho vay tối đa là 50 triệu đồng, nếu trên 50 triệu thì cần phải thế chấp tài sản.

Trường hợp nếu người dân thực sự có nhu cầu vay và khi đánh giá dự án có hiệu quả thì ngân hàng sẽ đáp ứng đầy đủ để người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống…

Theo bà Hải, kiến nghị chung từ các chuyến đi khảo sát cho thấy, hầu hết các cấp hội, đoàn thể đều mong Chính phủ, các bộ ngành liên quan quan tâm, nghiên cứu bổ sung rót thêm nguồn vốn. Có như vậy chương trình giải quyết việc làm mới đi đến cái đích mong muốn hiệu quả hơn, đó là trực tiếp và gián tiếp tạo hàng triệu việc làm cho người lao động.

Tạ Văn Toàn (TTXVN)
Hà Nam có gần 60.000 lượt hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Hà Nam có gần 60.000 lượt hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Sáng 25/9, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội (2002 – 2017), đề ra các mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN