Quả ngọt từ nguồn vốn vay với các huyện miền núi

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua nguồn vốn từ ngân hàng chính sách đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc hỗ trợ cho phát triển sản xuất của các hộ nghèo, người dân ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn người dân xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, làm thủ tục vay vốn.

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hiện số dư nợ theo chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hơn 8.072 tỷ đồng, với hơn 41.260 lượt khách vay; trong đó, cho vay ưu đãi hộ nghèo hơn 2.541 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo hơn 1.924 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 679.375 tỷ đồng.

Điển hình trong việc thông qua các chương trình vay vốn sản xuất từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa phát triển sản xuất có hiệu quả là huyện miền núi Quan Hóa. Nhân dân trong huyện miền núi Quan Hóa đã dùng nguồn vốn này đầu tư, phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Hiện số dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa là 198 tỷ đồng/6.624 hộ đã vay vốn. Dư nợ bình quân xấp xỉ 30 triệu đồng/hộ. Các hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng với mục đích đầu tư, xây dựng các mô hình trồng luồng, trồng xoan, trồng keo và chăn nuôi trâu, bò...để phát triển kinh tế trang trại ngay tại nhà.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa cho biết, là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn với mật độ dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt quanh năm, nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển khiến cho cuộc sống của bà con các dân tộc miền núi còn nhiều vất vả. 

Từ thực tế trên, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong huyện tham gia các chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách. 

Cụ thể như chương trình cho vay sản xuất với mức gần 83 tỷ đồng/2.842 hộ nghèo và 29 tỷ đồng/996 hộ cận nghèo hay như chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên 57 tỷ đồng/2.0971 hộ tham gia...để giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Theo anh Lương Văn Biêng, trú tại bản Nghèo, xã Hồi Xuân đã vay vốn theo diện hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, năm 2014, anh quyết định vay 30 triệu vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. 

Với số tiền này, anh đã mua 1 cặp bò sinh sản, 50 gà con, vịt cùng nhiều giống cây ăn quả để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Sau 2 năm, anh đã trả hết nợ và thực hiện đầu tư lớn, trồng thêm nhiều loại cây ăn quả, phát triển kinh tế rừng. Đến nay, gia đình anh đã mua được 1 ôtô tải lớn chuyên dùng để vận chuyển lâm sản, 11 cặp trâu, bò và thu nhập bình quân của gia đình đạt khoảng 150 triệu đồng/năm. 

Anh Hà Văn Tốt, trú tại bản Bút, xã Nam Xuân thuộc diện hộ nghèo, với số tiền 30 triệu đồng vay được từ ngân hàng, anh đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn giống, bò sinh sản. Sau 3 năm, anh đã trả hết nợ, có của ăn của để, thu nhập của gia đình anh từ mô hình này đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. 

Cũng vay vốn 30 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, bà Hà Thị Khiêm, trú tại bản Pọng, xã Phú Nghiêm chia sẻ, gia đình bà là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. 

Ban đầu, bà phải đi làm thuê khắp nơi với đủ thứ nghề để kiếm sống, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Sau khi tiếp cận được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, bà đã quyết định vay vốn trồng cây luồng. Đây không chỉ là loại cây có giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đem lại không khí trong lành tại địa phương. 

Nếu như năm 2011, gia đình bà Khiêm mới có 7 ha trồng luồng thì nay diện tích cây luồng đã được nâng lên 11 ha. Thu nhập mỗi năm của gia đình bà khoảng 160 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay sản xuất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa, gia đình bà Khiêm đã từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại địa phương. 

Theo bà Vi Thị Liệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Nghiêm, toàn xã hiện có trên 200 hộ thuộc các tổ phụ nữ, nông dân, thanh niên được thụ hưởng vay vốn sản xuất từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Quan Hóa. Nhờ có dư nợ lớn, hàng năm, số hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu của xã ngày càng tăng, cuộc sống nhân dân vùng núi ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. 

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, chương trình cho vay sản xuất rất quan trọng với các hộ gia đình nghèo, khi vay được vốn họ có thể thực hiện được các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. 

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay vốn sản xuất để giúp người dân trên địa bàn tỉnh có được nguồn vốn phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương.
                                                                                             
Bài và ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam là mô hình hiệu quả, góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Đây cũng là ý kiến của đa số các nhà khoa học thảo luận về vai trò của NHCSXH Việt Nam trong cuộc Hội thảo NHCSXH - 15 năm một chặng đường do NHCSXH tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN