Nguồn vốn chính sách giúp thoát nghèo bền vững

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang, hoạt động của chi nhánh tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hậu Giang vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Hậu Giang hướng dẫn người dân thực hiện vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang sẽ tích cực huy động vốn tại địa phương từ tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn, tiền gửi của các tổ chức và cá nhân, tiền gửi tại điểm giao dịch xã, tích cực vận động sở, ngành, cơ quan nhà nước mở tài khoản thanh toán tại chi nhánh. Chi nhánh tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp xem xét, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội để đáp ứng nhu cầu vốn giải ngân của các chương trình tín dụng chính sách. 
          
Song song đó, chi nhánh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các đơn vị chất lượng hoạt động còn thấp và tỷ lệ nợ quá hạn còn cao so với tỷ lệ bình quân. Cụ thể, tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá khả năng trả nợ đối với các trường hợp lãi tồn đọng, nợ quá hạn, nợ khoanh để có biện pháp đôn đốc thu hồi vốn; tham mưu chính quyền địa phương kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ thu hồi nợ khó đòi cấp xã. 
          
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang sẽ lồng ghép nguồn vốn cho vay với quản lý nguồn vốn cho vay qua việc phối hợp với hội đoàn thể cấp xã đảm bảo đầu vào phải đúng, nguồn vốn phải đảm bảo đi vào sử dụng đúng mục đích. 
         
Trong quá trình sử dụng có kiểm tra đánh giá hiệu quả lồng ghép với công tác tập huấn của hội đoàn thể cũng như cấp ủy chính quyền địa phương cho hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Ngoài ra, chi nhánh sẽ tham mưu để phát huy vai trò của tổ kỹ thuật ở cấp xã, mỗi xã đều có một tổ kỹ thuật với 3 cán bộ để hướng dẫn nhân dân sử dụng vốn hiệu quả hơn. 
         
Nhìn chung, những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã được phân bổ kịp thời đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hậu Giang. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cơ bản đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. 

         
Điển hình như bà Nguyễn Thị Thu Trang, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang có 6 công đất vườn nhưng không có vốn sản xuất nên nhiều năm là hộ nghèo. Năm 2016, bà được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang với số tiền 25 triệu đồng để trồng cam. Cuối tháng 5/2017 bà Trang trả được gốc và tiếp tục được vay mới số tiền 25 triệu đồng để tiếp tục trồng cải tạo vườn tạp, trồng cam và thoát nghèo. 
          
Năm năm qua, toàn tỉnh Hậu Giang đã có trên 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần cùng với địa phương giúp trên 20.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Năm 2011, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 28.000 hộ, tỷ lệ 14,5%, đến năm 2015, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 12.000 hộ, tỷ lệ 6,23%.

PV (TTXVN)
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững
Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam là mô hình hiệu quả, góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Đây cũng là ý kiến của đa số các nhà khoa học thảo luận về vai trò của NHCSXH Việt Nam trong cuộc Hội thảo NHCSXH - 15 năm một chặng đường do NHCSXH tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN