Mặc dù diện tích trừ cỏ bờ so với diện tích canh tác chiếm số lượng ít, nhưng số lượng thuốc sử dụng lại cao hơn từ 10 - 15 lần so với lượng thuốc sử dụng trong ruộng sản xuất, khoảng 100 gam/bình/lần phun. Từ năm 2020 trở về trước, để trừ cỏ bờ chủ yếu là sử dụng những loại thuốc trừ cỏ có chứa chất Glyphosate và Paraquat. Sau năm 2020, hai hoạt chất này đã bị cấm và thay thế bằng thuốc chứa hoạt chất Glufosinate ammonium, Diquat, trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc chứa hoạt chất Glufosinate ammonium chiếm khoảng 90%. Các loại thuốc trên đều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng trong danh mục các loại thuốc diệt cỏ được phép sử dụng. Mặc dù số lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ sử dụng còn lớn, tuy nhiên thống kê cho thấy số lượng thuốc diệt cỏ đã giảm dần theo thời gian, trung bình mỗi năm lượng thuốc này giảm đi 10% so với năm trước.
Bà Nguyễn Thị Quyên (xã Nam Hồng, huyện Nam Sách) cũng như nhiều hộ gia đình khác thường xuyên sử dụng thuốc diệt cỏ bờ trong sản xuất nông nghiệp. Bà Quyên cho biết, mỗi vụ bà sẽ phun 2 lần, lần 1 lúc chuẩn bị gieo cấy, lần 2 lúc chuẩn bị thu hoạch lúa. Ưu điểm của thuốc diệt cỏ là chỉ phun một lần cỏ sẽ chết cháy được thời gian dài. Với mỗi lần phun gia đình bà phải chi phí mất 30 nghìn đồng, tuy nhiên khi phun chỉ phun ở cỏ bờ không được phun vào khu vực lúa sẽ làm cháy cả lúa, việc phun thuốc này giúp sạch cỏ bờ không còn chỗ trú ngụ cho chuột phá hoại mùa màng.
Ông Trần Trung Âu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho rằng: Hiện nay người dân ở Hải Dương đã giảm sử dụng thuốc trừ cỏ so với trước đây, thay vào đó là những phương pháp canh tác an toàn hơn tại các vùng sản xuất như không sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với góc độ cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, Chi cục khuyến cáo người dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc diệt cỏ ở bờ ruộng vì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến nguồn nước, đất và một số loại cây trồng trong sản xuất. Đặc biệt là những loại thuốc phun lưu dẫn sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây trồng. Chi cục thường xuyên hướng dẫn cho người dân trong các buổi tập huấn, khuyến cáo người dân sử dụng máy cắt cỏ trên bờ mương cũng như trong vườn cây để bảo vệ môi trường xung quanh. Tại một số địa phương người dân đã sử dụng các màng phủ nilon để che phủ hạn chế cỏ mọc. Hơn nữa khi sử dụng máy cắt cỏ, lượng cỏ được cắt sẽ tạo thành một lớp phủ trên bề mặt cỏ tỷ lệ cỏ mọc thấp hơn, tạo thành lớp xốp hữu cơ tốt cho sản xuất.
Trong trường hợp người dân phải sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân phun thuốc khi thật sự cần thiết, trong quá trình phun thuốc phải thực hiện 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng kỹ thuật pha phun) theo hướng dẫn trên vỏ bao bì sản phẩm. Với thuốc diệt cỏ hoang, phun vào buổi chiều sẽ tốt hơn phun vào buổi sáng vì phun buổi sáng thì dưới tác động của ánh sáng mặt trời, thuốc sẽ phân hủy nhanh hơn nên hiệu quả sẽ thấp hơn. Khi cỏ già quá, hiệu quả phun thuốc cũng không cao.
Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá, nông dân trong tỉnh đã cơ bản nắm được kỹ thuật phun thuốc diệt cỏ thông qua những buổi tập huấn về thuốc bảo vệ thực vật ở các địa phương. Nhiều người dân đã sử dụng máy cắt cỏ thay thế cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ ở vườn đồi, công trình công cộng. Tuy nhiên, hiện nay hệ số quay vòng sử dụng đất ở các vùng chuyên canh có xu hướng tăng nên phát sinh nhiều dịch hại mới khó phòng trừ, nhiều loại sâu bệnh đã trở nên kháng thuốc. Một số đại lý thuốc bảo vệ thực vật vì lợi nhuận nên vẫn bán phối hợp nhiều loại thuốc trong một lần phun, hoặc không hiểu hết tính chất của thuốc nên đã bán sai mục đích sử dụng.
Để bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, người dân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có thuốc diệt cỏ để sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp.