Giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi gặp khó. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Gia đình chị Ngô Thị Dung ở thôn Hòa Bình, xã Cẩm Đoài, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương bắt đầu chăn nuôi lợn được 3 năm nay và năm 2016 mở rộng quy mô. Chuồng trại mới xây có thể nuôi mỗi lứa 100 con lợn thịt. Tuy vậy, hiện giờ gia đình chị chỉ nuôi 25 con.
Chị Dung cho biết, gia đình không dám nuôi nhiều vì giá bán ra đợt vừa rồi quá thấp. Tết năm ngoái giá lợn hơi từ 40.000-45.000 đồng/kg; còn Tết vừa rồi, có lúc thịt lợn hơi giá 28.000-30.000 đồng/kg. Có nhà còn lỗ gần 2 triệu đồng với mỗi con lợn xuất chuồng.
Thua lỗ cũng là tình trạng mà khoảng 60 hộ chăn nuôi lợn tại xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) đã và đang gặp phải. Khu vực được quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã này những ngày đầu năm mới hiu hắt. Chuồng trại của gia đình anh Vũ Đình Hiệp (thôn Độ Trung, xã Đại Hợp) xây năm 2016 với quy mô nuôi 200 lợn thịt thì hiện tại chỉ nuôi 50 con. Anh Hiệp buồn bã: “Trước Tết, gia đình xuất chuồng hơn 140 con đã thua lỗ khoảng 150 triệu đồng”.
Những gia đình nuôi quy mô lớn hơn vì không bán hết số lợn thương phẩm từ trong Tết, nên ra Giêng vẫn phải loay hoay giải quyết số tồn đọng. Chị Vũ Thị Nguyệt (thôn Độ Trung) đang như ngồi trên lửa vì vẫn còn gần 100 con lợn tồn đọng từ vụ Tết chưa có người mua, mỗi con đều nặng trên 1,1 tạ. Lợn không bán được kéo theo nỗi lo thiếu chuồng để nuôi lợn con.
Chị Nguyệt thở dài: “10 năm chăn nuôi, chưa năm nào thua lỗ nặng như năm nay. Trước Tết, cứ mỗi con bán ra thì lỗ 1 triệu đồng. Giờ ra Tết, giá đã tăng lên 32.000 đồng/kg thì vẫn lỗ mà cũng ít người đi mua. Trong năm, vợ chồng tôi định ra Tết sẽ xây thêm chuồng nhưng thua lỗ nặng như thế, giờ chưa biết đến khi nào mới xây được”, chị Nguyệt chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, vì không có tiền để tái đàn (mua giống, cám, thuốc tiêm phòng dịch cho lợn con), phần vì tâm lý chán nản trước sự rớt giá của thị trường lợn thương phẩm nên đa phần các hộ sản xất cầm chừng. Nhiều nhà còn phải vay ngân hàng để trả nợ. Chuyện vốn vay đang là cái khó khăn nhất đối với người chăn nuôi thời điểm này.
Anh Vũ Đình Hiệp (thôn Độ Trung, xã Đại Hợp) cho biết thêm: “Vừa lỗ hàng trăm triệu đồng nên giờ ra Tết chỉ nuôi cầm cự. Số lợn trong chuồng nhà tôi đang nuôi kia đều nhập từ năm 2016”. Anh Hiệp còn kể, ngay cạnh trang trại của anh, có gia đình xây dựng chuồng trại chưa xong còn bỏ dở, chưa biết bao giờ mới hoàn thiện để bắt tay vào chăn nuôi.
Tại huyện Nam Sách, người nuôi lợn cũng chung tình cảnh. Theo ông Nguyễn Tiến Khắc, Phó Chủ tịch UBND huyện, khoảng 10 năm trở lại đây chưa khi nào giá thịt lợn thương phẩm lại thấp như vậy. Tết vừa rồi, với giá dưới 30.000 đồng/kg lợn hơi thì ước tính người chăn nuôi phải chịu thua lỗ trung bình trên 1 triệu đồng/con. Nhiều gia đình sau Tết vẫn còn tồn đọng hàng trăm con lợn chưa xuất chuồng được, giờ cũng chỉ biết hy vọng phía Trung Quốc nhập khẩu tăng trở lại.
Nhiều hộ nuôi thủy sản cũng vừa đón một cái Tết kém vui vì vụ cá dịp Tết cũng bị rớt giá. Theo ông Nguyễn Đình Minh, xã Đại Hợp có khoảng 30 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong vụ Tết vừa rồi, có 10 gia đình lên ao, chủ yếu cá trắm và cá rô phi. Trung bình mỗi loại đều giảm từ 5.000-6.000 đồng/kg so với giá thời điểm giữa năm, bán hết cũng chỉ hòa vốn.
Ở nhiều vùng nông thôn Hải Dương, lâu nay, nguồn thu nhập chính của không ít gia đình là dựa vào chăn nuôi. Nông dân chỉ mong thị trường ổn định. Tuy nhiên, với cách thức chăn nuôi tự phát, theo phong trào, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì khó tránh khỏi rủi ro, thiệt hại.
Theo lãnh đạo xã Đại Hợp, trong thời gian tới, xã sẽ tìm cách tạo điều kiện hỗ trợ người dân kết nối với cơ sở chăn nuôi lớn ở những địa phương quen sản xuất theo hợp đồng bao tiêu. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo xã và nông dân cũng mong mỏi Nhà nước chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi bằng những biện pháp cụ thể, như quản lý chặt thị trường vật tư nông nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về vắc xin, thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, hoặc ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư trang trại quy mô lớn, giãn nợ những hộ vay nhiều và vừa bị thua lỗ nặng…