Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như: thiên tai, dịch bệnh lan tràn, các chi phí đầu vào đều tăng mạnh từ 10 - 30% nhưng Cục Chăn nuôi khẳng định vẫn tiếp tục giúp người chăn nuôi tái đàn, đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Thương lái hưởng lợi
Chiều qua (11/10), Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2011 và giải pháp thúc đẩy chăn nuôi trong những tháng tới.
Một hộ gia đình ở xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) thực hiện mô hình chăn nuôi lợn theo qui trình VietGAP. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Theo Cục Chăn nuôi, trong 9 tháng qua, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, dịch bệnh hoành hành như: dịch lở mồm long móng ở lợn, trâu bò, dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh... ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thịt cho thị trường. Hơn nữa, đợt rét kéo dài từ cuối năm 2010 đến tháng 3/2011, gần 100.000 trâu, bò và gia súc ăn cỏ bị chết rét, đói.
Bên cạnh đó là chi phí đầu vào tăng mạnh, giá điện tăng 15,5%, than 32,29%, thức ăn chăn nuôi tăng 12 – 14%, chi phí vận chuyển tăng 20%. Đặc biệt, người chăn nuôi khó tiếp cận vốn và lãi suất vay vốn vẫn quá cao, tăng tới 9,21% so với tháng 1/2011.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi vẫn còn những vướng mắc cố hữu là khâu lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế, dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại chuồng và giá bán ở chợ.
Trên thực tế, việc mua bán giữa người chăn nuôi và thương lái là tự thỏa thuận. Do vậy, người chăn nuôi dễ bị “dìm” giá trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Giá lợn thất thường như hiện nay dường như có sự chi phối của thương lái. Hiện giá xuất chuồng đã giảm từ 20 - 24% nhưng ngoài chợ chỉ giảm khoảng 15%. Ngay cả đối với thịt gà, giá gà ta bán tại chuồng ngang với gà công nghiệp nhưng khi tới tay người tiêu dùng lại cao hơn do thương lái làm giá”.
Vì vậy, Nhà nước phải thể hiện vai trò quản lý thị trường. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, do có nhiều khó khăn nên hiện nay rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã thu hẹp sản xuất. Hiện, chăn nuôi gia trại vẫn chiếm 80 - 90% tỷ trọng của ngành nhưng trong khoảng 2 năm gần đây thấy rõ xu hướng đi xuống của chăn nuôi nông hộ, gia trại.
Giảm thuế hỗ trợ người chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi, trước mắt, để đảm bảo nguồn cung thực phẩm và duy trì sự tăng trưởng, bình ổn giá cả từ nay tới cuối năm, bên cạnh những biện pháp như tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, sẽ áp dụng mọi biện pháp và huy động các nguồn lực để dập tắt dịch, không để lây lan. Các địa phương còn phải chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và có chính sách hỗ trợ vật tư, chuồng trại cho đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa để phòng chống đói rét cho trâu bò...
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Vi Lưu Bình cho rằng, cần quan tâm tới vấn đề giống. Vì khi xảy ra dịch, các hộ dân không biết mua giống không nhiễm bệnh ở đâu. Do vậy, phải thông tin đầy đủ về những nơi bán giống sạch.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng, “Phải từng bước thiết lập thị trường sản xuất kinh doanh thực phẩm cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia”, ông Sơn nói.
Về dài hạn, ông Sơn kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư chăn nuôi (không bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, liên doanh nước ngoài) để phục hồi và phát triển sản xuất, phòng chống dịch bệnh đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng trong các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để mua con giống. Đồng thời giảm thuế nhập khẩu ngô, lúa mì, các thiết bị chuồng trại... Thuế suất này được áp dụng cho các lô hàng nhập khẩu từ 1/9. Ngoài ra, hỗ trợ tiền mua vắcxin tai xanh dự phòng 100%.
Hữu Vinh