Chăn nuôi khốn đốn vì giá 1 cân lợn hơi chỉ bằng 1 bát phở

Theo tính toán của người chăn nuôi, do giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục nên người chăn nuôi đang rơi tình cảnh thua lỗ nặng. Hiện giá lợn hơi còn khoảng 32.000 – 34.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng một bát phở.

Càng nuôi càng lỗ nặng

Thông thường vào thời điềm gần Tết, giá lợn xuất chuồng thường tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Tuy nhiên, năm nay, giá thịt lợn hơi lại rớt giá thê thảm, xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Người chăn nuôi đang lỗ vốn cả triệu đồng mỗi con lợn và lợn càng to lại càng khó bán. Đó là tình cảnh chung mà người chăn nuôi heo đang gặp phải trong thời gian qua.

Nông dân Vũ Trọng Trung, xóm 8, xã Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, được hợp tác xã vận động, nhiều gia đình trong xã tích cực nuôi lợn sạch theo tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lợn không bị dịch bệnh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dừng nhập khẩu lợn, khiến giá lợn hơi sụt giảm nhanh chóng trong thời gian qua. Hiện giá lợn hơi còn khoảng 32.000 – 34.000 đồng/kg. Trong khi giá nuôi khoảng 38.000 –  40.000 đồng/kg.

Đàn lợn của một hộ chăn nuôi ở Bạc Liêu đến ngày xuất chuồng, nhưng giá thấp nên vẫn phải để nuôi. Ảnh: Huỳnh Sử/ TTXVN

“Gia đình tôi có hơn 60 lợn, tính ra sau khi xuất chuồng hết thì lứa lợn này bị lỗ tới trên 60 triệu đồng. Càng những gia đình chăn nuôi lớn thì càng lỗ nặng. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi sẽ không muốn phát triển chăn nuôi thêm nữa”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, không riêng gia đình ông, nhiều hộ trong xã cũng đang thua lỗ trầm trọng. Có gia đình nuôi hàng trăm con nên đang ‘chết dở’ vì giá thu mua lợn quá thấp.

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của miền Nam và cả nước với hơn 1,8 triệu con. Không những giá bán giảm mà việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Nguyên nhân cũng do Trung Quốc dừng nhập khẩu, 40% lượng lợn đến thời điểm xuất chuồng đang bị ứ đọng. Thậm chí, lợn  cỡ lớn còn rớt thảm vì không có người mua. Vì vậy, giá lợn hơi xuất bán tại chuồng ở Đồng Nai đang giảm xuống mức kỷ lục trong vài năm qua.

Ông Vy Hướng Mạnh, hộ chăn nuôi lợn ở xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, Đồng Nai cho biết: “Các hộ chăn nuôi đang phải bán lợn với giá thấp thê thảm, chịu lỗ hơn một triệu đồng/con”.

Đồng Nai hàng ngày có khoảng 6.000 lợn từ các trang trại xuất bán ra thị trường, trong đó 60% đưa về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ và 40% xuất bán đi Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Tại Bến Tre, nông dân Cao Văn Beo, xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam nhẩm tính: “Mua lợn giống mua tốn trên 1 triệu đồng/con. Từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng ăn khoảng 10 bao thức ăn (25kg/bao). Sau 4-5 tháng nuôi, chi phí thức ăn cho mỗi con lợn là 2,5 - 2,7 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán từ 2 tháng nay sụt còn 3 – 3,2 triệu đồng/tạ nên người chăn nuôi bị thua lỗ nặng”.

Khuyến cáo không tăng đàn

Để cân đối cung cầu, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế việc tái đàn, tăng đàn, cắt giảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường. Phải chờ thị trường ổn định, cân đối mới tái đàn, để không gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tương tự, trước tình hình giá lợn ở Bến Tre sụt giảm khiến nhiều người chăn nuôi lỗ nặng, đại diện ngành nông nghiệp Bến Tre có những khuyến cáo đối với người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này. Về lâu dài, người chăn nuôi cần chuyển đổi quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, liên kết thành lập tổ hợp tác chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào, tăng giá đầu ra.

Đàn lợn đến ngày xuất chuồng, nhưng giá thấp nên vẫn phải để nuôi. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo ông Phạm Kim Thành, Trưởng phòng quản lý giống và kỹ thuật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, người chăn nuôi nên tìm cách giảm chi phí đầu vào như: bình tuyển con giống, giảm chi phí mua thức ăn bằng cách trộn thức ăn bằng nguyên liệu có sẵn ở địa phương với thức ăn mua từ đại lý, người chăn nuôi cũng nên chuyển hướng từ nuôi quy mô nhỏ lẻ sang trang trại hoặc liên kết thành tổ hợp tác để tiết kiệm được chi phí sản xuất,…

Nhằm giảm thiểu áp lực khó khăn cho người chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, giống đặc sản để đa dạng hóa sản phẩm và tránh rủi ro. Đồng thời, đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ để phát huy thế mạnh của mô hình chăn nuôi nông hộ và tăng giá trị chăn nuôi.

Bộ cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, ở đó có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất, dịch vụ của các Hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ chăn nuôi.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội đang tìm cách giúp người nông dân đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời khuyến cao người chăn nuôi dứt khoát không tăng đàn.

H.V
Thịt lợn không giảm giá là thất bại của hệ thống liên kết, phân phối
Thịt lợn không giảm giá là thất bại của hệ thống liên kết, phân phối

Các hộ chăn nuôi lợn đang ‘đứng ngồi không yên’ vì giá lợn hơi rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Nhưng trên thị trường, giá thịt lợn thành phẩm được bán với mức giá gấp ba lần thịt lợn hơi. Theo các chuyên gia, việc tư thương đang thao túng thị trường là một thất bại của hệ thống phân phối, liên kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN