Những ngày gần đây, mặc dù phía Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt hải sản ở Biển Đông một cách ngang ngược và phi lý, ngư dân tỉnh Quảng Nam vẫn tự tin vươn khơi bám biển.
Ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành chuẩn bị vật tư nhiên liệu cho chuyến biển mới. |
Hơn ai hết, những ngư dân cả đời gắn bó với biển hiểu rằng vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam từ xa xưa và mãi mãi sau này vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Những ngày này, mọi hoạt động tại cảng cá Kỳ Hà, cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Nam vẫn tấp nập hối hả. Trên bờ, các nhà máy cung cấp đá lạnh, các cơ sở cung cấp vật tư, nhiên liệu chạy hết công suất, đáp ứng nhu cầu đi biển của ngư dân. Dưới bến cảng, các tàu cá nối đuôi nhau ra, vào để tiêu thụ hải sản, kiểm tra thiết bị an toàn kỹ thuật và tiếp nhiên liệu cho chuyến biển tiếp theo. Hàng chục chiếc xe tải chuyên dụng xếp hàng ngay ngắn trên bến cảng, chờ đến lượt vào cầu cảng thu mua hải sản và đưa đi tiêu thụ.
Vừa hướng dẫn anh em đưa đá cây dự trữ phục vụ ướp đông cho sản phẩm xuống tàu, chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày sắp tới, anh Trần Văn Nhân, thuyền trưởng tàu cá QNa 91819 TS ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) quả quyết: “Ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống cha ông để lại cho chúng tôi và con cháu sau này nữa. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc hoàn toàn không có ý nghĩa, không có giá trị gì đối với ngư dân chúng tôi”.
Còn anh Trần Công Kỳ, thuyền trưởng tàu cá QNa 91345 TS xã Bình Minh, huyện Thăng Bình khẳng định: “Ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống của Việt Nam. Mặc cho phía Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển, chúng tôi vẫn quyết tâm ra khơi bám biển. Gia đình tôi đã có 4 thế hệ sống bằng nghề đi biển, đến đời con cháu tôi cũng sống nhờ vào biển. Chúng tôi thuộc lòng đặc điểm của từng vùng ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa bởi đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam”.
Là người dày dạn kinh nghiệm đi biển, hiện còn làm thêm dịch vụ cung cấp hậu cần nghề cá trên biển, anh Huỳnh Minh Cảnh, chủ của 3 chiếc tàu đánh bắt hải sản xa bờ, thuyền trưởng tàu cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển bức xúc: “Việc cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ngay trên ngư trường truyền thống của chúng tôi là quá ngang ngược. Chúng tôi hành nghề đúng quy định của pháp luật Việt Nam và ngay trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm sẽ gây khó khăn cho ngư dân nhưng chúng tôi vẫn ra khơi, bởi đây là ngư trường truyền thống của mình”.
Huyện Núi Thành có hơn 1.500 tàu thuyền với tổng công suất gần 118.000 CV, trong đó có 242 tàu có công suất máy 90 CV trở lên. Riêng xã Tam Quang, huyện Núi Thành có 370 tàu thuyền với tổng công suất 31.300 CV, chủ yếu làm nghề khai thác cá như lưới vây đêm, lưới vây ngày ở ngư trường xa bờ. Trung bình mỗi năm, các nghiệp đoàn nghề cá của ngư dân trong xã Tam Quang khai thác đạt sản lượng 16.000 tấn hải sản các loại, chiếm gần một nửa tổng sản lượng khai thác hải sản của cả huyện Núi Thành và đạt tổng giá trị xấp xỉ 250 tỷ đồng. Vụ mùa năm nay, ngư dân Tam Quang tiếp tục ra quân đánh bắt xa bờ với mục tiêu sản xuất đạt 16.500 tấn hải sản các loại.
Ông Nguyễn Tin, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: Tam Quang là địa phương có thế mạnh về kinh tế biển với hơn 75% dân số sống bằng nghề biển. Xã đã vận động ngư dân đầu tư, đóng mới tàu thuyền, mua sắm thêm ngư lưới cụ và trang bị các phương tiện đi biển ngày càng hiện đại hơn để vừa đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi vừa nâng cao năng lực khai thác và kỹ năng bảo quản, sơ chế sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến ra khơi. Trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau lúc gặp khó khăn hoạn nạn và đặc biệt là nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên biển. Vì vậy, tình trạng sử dụng thuốc nổ để khai thác hải sản hay sử dụng các phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt từ nhiều năm nay đã không còn nữa. Đặc biệt, khi đánh bắt hải sản trên biển, ngư dân thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình hình trên biển để các cơ quan chức năng có hướng xử lý, góp phần giữ gìn sự bình yên trên biển.
Vươn khơi bám biển để vừa khai thác nguồn lợi trên ngư trường truyền thống của mình, vừa góp phần cùng các lực lượng chức năng giữ gìn sự bình yên và toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là động lực thúc đẩy ngư dân Quảng Nam luôn tự tin ra khơi.
Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung