Ghi nhận của phóng viên tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải (cửa Gành Hào, một trong 3 cửa và là cửa biến lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu), là khung cảnh đìu hiu, khác hẳn sự nhộn nhịp tàu thuyền ra vào vận chuyển các mặt hàng hải sản mang đi tiêu thụ trước đây.
Cả buổi chiều nhưng chỉ có vài tàu cá cập cảng, vận chuyển hàng hóa sau chuyến đi dài ngày. Trên gương mặt của chủ tàu cá, cũng như ngư phủ (ngư dân) đều hiện rõ vẻ lo lắng. Bởi gần cuối năm, bao nhiêu khoản phải lo toan, chi tiêu dựa vào những chuyến biển, trong khi những chuyến ra khơi lại không được như kỳ vọng.
Ông Lê Văn Thi, ngư dân ấp 4, thị trấn Gành Hào đượm buồn cho biết: Với ngư dân huyện Đông Hải nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung, năm 2023 là năm kém hiệu quả của nghề biển. Những tháng đầu năm, dù hiệu quả không cao, nhưng chủ tàu cùng ngư phủ cũng có thu nhập chút đỉnh, còn những chuyến biển cuối năm thì hầu như thua lỗ. Sản lượng khai thác sụt giảm chỉ bằng 1/3, trong khi chi phí đầu tư gia tăng, nhất là nhiên liệu.
Theo tính toán của ông Thi, tàu cá có công suất trên 400CV, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng một tháng phải tốn chi phí 500 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền công cho ngư phủ là gần 100 triệu đồng, tiền dầu gần 300 triệu đồng… Tuy nhiên, số tiền bán hải sản mỗi chuyến chưa được 400 triệu đồng, không đủ bù chi phí bỏ ra.
Cùng chung cảnh ngộ như ông Lê Văn Thi, ông Đặng Văn Hòa, ngư dân ấp 4, thị trấn Gành Hào cho hay, gia đình ông có cặp tàu cào đôi công suất trên 500CV. Do là tàu cá có công suất lớn nên chi phí ra khơi mỗi chuyến khoảng 1 tháng là 700 triệu đồng. Giá dầu tăng nên chi phí một chuyến đi biển cũng vì vậy mà tăng theo. Bởi chi phí dầu chiếm hơn 50% chi phí cho chuyến biển, ngoài ra còn chi phí nhu yếu phẩm, nhân công, nước uống, đá ướp hải sản...
Mặc dù thua lỗ, nhưng ông Hòa vẫn cố gắng duy trì cho tàu ra khơi để đảm bảo đời sống gia đình và ngư phủ theo tàu. Đồng thời, hy vọng tình hình khai thác sẽ được cải thiện.
Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, địa phương có đội tàu khai thác hải sản chiếm trên 50% tổng số tàu của tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản ít nhiều gặp khó khăn nhất định, tuy nhiên năm 2023, đặc biệt những tháng cuối năm, ngư dân càng thêm khó khăn. Chi phí đầu vào phục vụ chuyến biển tăng, trong khi giá các sản phẩm bán ra lại giảm, khiến nhiều chủ phương tiện cho tàu nằm bờ.
Theo thống kê của UBND huyện, hiệu quả khai thác hải sản của các đội tàu giảm rõ rệt, chỉ có từ 40 - 60% số tàu hoạt động hiệu quả, còn lại hòa vốn và lỗ, thậm chí nhiều phương tiện phải tạm ngưng hoạt động.
Trước những khó khăn này, ông Nguyễn Trọng Hán cho biết: Địa phương cũng đề ra một số giải pháp; trong đó khuyến cáo người dân tiết kiệm chi phí, khai khác gắn với bảo tồn, tái tạo; khuyến khích ứng dụng công nghệ vào các nghề có sự chọn lọc đánh bắt như: lưới, câu và đánh bắt những loài cá có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh Bạc Liêu có trên 1.000 tàu cá với hơn 6.100 thuyền viên. Khai thác hải sản từ lâu được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, trong đó có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 38 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 13 với mục tiêu phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Cùng với đó, tỉnh từng bước sắp xếp, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và phát triển các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với doanh nghiệp thu mua và ngư dân, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề. Tỉnh tổ chức thành lập đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần cho các tàu khai thác xa bờ, tạo điều kiện bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý; cập nhật và dự báo thường xuyên về ngư trường để hướng dẫn ngư dân hoạt động sản xuất trên biển hiệu quả và an toàn.
Dưới góc độ, cơ quan quản lý về chuyên môn, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận: Nghề khai thác hải sản của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nếu không được quan tâm tháo gỡ kịp thời sẽ tụt hậu. Một trong những trở ngại hiện nay là Bạc Liêu chưa có quy hoạch khai thác hải sản cho từng vùng biển theo nhóm nghề, nên cơ cấu nghề và vùng khai thác chưa hợp lý. Trong khi đó, năng lực của đội tàu khai thác còn hạn chế, công suất thấp, không kiểm soát được vùng biển đánh bắt, ngư cụ khai thác lạc hậu, chậm đổi mới…
Để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly cho rằng: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu là phải sắp xếp lại cơ cấu nghề theo hướng tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, tập trung phát triển đội tàu có công suất lớn khai thác xa bờ, các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, giảm dần số lượng tàu công suất nhỏ gần bờ.
Đồng thời, tổ chức lại mô hình liên kết sản xuất trên biển theo tổ đội, tổ hợp tác, nghiệp đoàn để nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích ngư dân áp dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh hoàn thiện các dự án xây dựng, nâng cấp công trình hạ tầng phục vụ khai thác hải sản; trong đó ưu tiên mở rộng cảng cá Gành Hào, để nhanh chóng đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.