Nghịch lý trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu ở Khánh Hòa

Là một trong những vùng nuôi thủy sản trọng điểm, đặc biệt là thủy sản xuất khẩu, nhưng lâu nay, người nuôi và doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Chú thích ảnh
 Bè nuôi tôm hùm của một hộ dân trên vịnh Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). 

Suốt nhiều tháng qua, giá tôm hùm, ốc hương xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa lên xuống bấp bênh, thậm chí có thời điểm rơi xuống mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Ngô Văn Sang, người nuôi tôm hùm ở Bãi Sau Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) vừa ngồi đan lưới trong bè nuôi tôm vừa cho biết, chưa bao giờ giá tôm hùm đặc sản lại xuống thấp như hiện nay. Bè nuôi tôm của gia đình ông trước đây có 3 - 4 người làm giờ phải cho nghỉ hết, một mình ông cáng đáng mọi việc để giảm bớt chi phí nếu không muốn lỗ nặng thêm.

Tương tự như ông Sang, hàng nghìn chủ bè nuôi ở thủ phủ nuôi tôm hùm huyện Vạn Ninh cũng đứng ngồi không yên bởi thị trường xuất khẩu loại “siêu đặc sản” này đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thời điểm đầu tháng 11 đến nay, giá tôm hùm đã tăng lên nhưng nguyên nhân chủ yếu do vùng nuôi tôm chịu ảnh hưởng của 2 trận bão liên tiếp, thị trường tiêu thụ trong nước bị khan hiếm nguồn cung, còn thị trường xuất khẩu vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Ngoài tôm hùm, ốc hương thương phẩm cũng là mặt hàng xuất khẩu đang gặp bất lợi. Trong nhiều tháng qua, người nuôi ốc hương ở huyện Vạn Ninh, thành phố Cam Ranh (vùng nuôi tập trung của tỉnh Khánh Hòa) không khỏi lo lắng khi giá ốc hương liên tục lao dốc. Sau khi giảm chạm đáy, ốc hương hiện nay đã tăng lên 180.000 - 200.000 đồng/kg do nguồn cung bị sụt giảm mạnh bởi nhiều hộ nuôi chuyển sang thả tôm, cá để tránh thua lỗ.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có trên 660 ha nuôi ốc hương thương phẩm và khoảng 50.000 lồng nuôi tôm hùm các loại. Tập trung chủ yếu tại địa bàn thành phố Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. 

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, thị trường tiêu thụ khổng lồ này bắt đầu siết chặt quy định đối với hàng nhập khẩu theo đường tiểu ngạch; đồng thời tăng cường nhập khẩu chính ngạch với các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói bao bì, nhãn mác… Đây cũng là lúc mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa bộc lộ những bất cập.

Ông Lê Hồng Phương, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh - vùng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh) cho biết, lâu nay bà con nuôi tôm theo kiểu truyền thống, tới kỳ thu hoạch các tiểu thương đến thu mua để xuất đi theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, chính sách biên mậu của Trung Quốc đã siết chặt trong thời gian qua khiến lượng hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cho tôm hùm để đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng không hề dễ dàng, bởi mỗi hộ nuôi có một quy trình riêng, cách nuôi khác nhau nên tính cộng đồng để xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã hầu như không có.

Còn đối với người dân, khi nhắc đến thương hiệu, nhãn hiệu nhận dạng, chứng nhận nguồn gốc, chất lượng an toàn thủy sản… vẫn là điều khá mơ hồ. Ông Trần Minh Hiền (xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh) cho biết, chưa được hướng dẫn đăng ký an toàn cho con tôm nuôi như thế nào, khi bắt con tôm về nuôi ông chỉ đăng ký ở xã để khi có sự cố thiên tai xảy ra và bị thiệt hại thì nhận hỗ trợ của nhà nước.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp thu mua, sơ chế tôm hùm, ốc hương đã quen xuất khẩu tiểu ngạch nên sẽ không kịp ứng phó với những điều kiện mà phía đối tác đặt ra. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 11 doanh nghiệp thu mua, bao gói ốc hương, tôm hùm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trong đó, chỉ có 4 cơ sở được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Khánh Hoà cho biết, hiện nay việc cấp mã code (giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) đều do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung bộ thực hiện. Riêng đơn vị này đã đề xuất một số giải pháp, phương hướng giải quyết những vướng mắc trong xuất khẩu nông, thủy sản trên địa bàn.

Trong cuộc họp bàn giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc mới đây, ông Võ Nam Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp về quy định hồ sơ thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc; các địa phương hỗ trợ nông dân, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu theo chính ngạch, như xây dựng tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, GlobalGAP… 

Đồng thời, giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tham mưu cho Sở xây dựng đề án (hoặc phương án) liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2020 - 2025 để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng (TTXVN)
5 tháng, xuất khẩu thuỷ sản giảm nhưng nhập khẩu tăng
5 tháng, xuất khẩu thuỷ sản giảm nhưng nhập khẩu tăng

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 năm 2019 ước đạt 728 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN