Nghịch lý giá sữa tăng

Dù trên thị trường nhiều loại sữa bột đã tăng giá bán từ 4-15%, nhưng giá sữa tươi thu mua của nông dân vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Nhiều nhà sản xuất tăng giá sữa thành phẩm mà không tăng giá sữa thu mua khiến người nông dân gặp khó khăn hơn.


Theo ghi nhận của PV Tin Tức, đa số các hãng sữa tăng giá đợt này là sữa bột thành phẩm. Sữa Dumex tăng giá từ 10- 13% với lý do thay đổi mẫu mã, hãng sữa Nestlé tăng, giá dòng sữa Lactogen từ 3-10%, Công ty Friesland Campina VietNam cũng điều chỉnh tăng giá 4-15% một số mặt hàng sữa bột như Friso, Dutch Lady... Cụ thể, sữa Frisolac hộp thiếc 900gr tăng 7.500 đồng, từ 261.000 đồng lên 268.500 đồng, Dutch Lady 456 Vanila hộp giấy 400gr tăng 5.000 đồng, từ 68.500 đồng lên 73.500 đồng…

Giải thích nguyên nhân tăng giá lần này, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc đối ngoại Công ty Friesland Campina VietNam, cho biết: “Giá sữa tăng do tỷ giá đồng euro đã tăng so với năm ngoái khoảng 9-11%, trong khi nguyên liệu sữa bột chủ yếu nhập khẩu bằng ngoại tệ. Nguyên vật liệu đóng gói cũng lên từ 5 - 18%. Để duy trì được nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo cho sản xuất, lương của lao động trực tiếp sản xuất phải tăng thêm khoảng 4,5%. Mặt khác, nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng giá từ 11-54%”.

Trong khi đó, giá sữa tươi thu mua từ nông dân vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Văn Tủi, Phó phòng Kinh tế xã hội, Hội Nông dân TP.HCM, cho biết: “Ba tháng gần đây giá sữa thu mua của nông dân vẫn chưa được điều chỉnh mà vẫn giữ ở giá 12.200 đồng/kg. Điều này đang khiến không ít hộ nông dân nuôi bò sữa phải bỏ đàn. Trong thời gian tới, nếu các công ty thu mua sữa không tăng giá người nông dân sẽ càng khó khăn hơn”.

Một nghịch lý khác là liên tiếp nhiều tháng, từ tháng 5 đến tháng 8/2011, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh, trong khi giá thành phẩm trong nước lại tăng. Đơn cử giá trên thế giới của loại sữa bột hiện còn 3.350 USD/tấn, giảm 100 USD so với tháng 7, sữa bột béo (nguyên kem) giảm mạnh 200 USD/tấn, còn 3.800 - 4.000 USD/tấn.

Nhiều nhà sản xuất trong nước lý giải: Giá nguyên liệu chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá bán, bên cạnh các yếu tố khác như giá nhân công, chi phí đóng gói… Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chọn thời điểm này để tăng giá vì cuối năm sức mua tăng cao, tâm lý mua sắm của người dân cũng thoải mái hơn. Việc tăng giá sữa thành phẩm không phải lúc nào cũng song hành với giá thu mua sữa tươi.

Một đại diện của Sở Tài chính TP.HCM cho biết: “Hiện việc quản lý giá sữa được thực hiện theo cách: Nhà sản xuất nào đăng ký giá với Bộ Tài chính thì Bộ quản lý, còn nhà sản xuất nào đăng ký với Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh thì Sở quản lý. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh một số công ty đã đăng ký giá với Sở Tài chính và những loại sữa này chưa điều chỉnh giá. Thậm chí, họ còn đăng kí tham gia bình ổn giá với các loại sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, người già và dành cho bà bầu”. Sắp tới, Sở sẽ tăng cường thành lập các tổ liên ngành đi kiểm tra các đơn vị sản xuất, các điểm phân phối sữa sỉ và lẻ. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm khắc, với những mức xử phạt từ 5 - 40 triệu đồng/lần và kèm theo nhiều hình phạt bổ sung”.

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN