Giá củ cải tại chợ vẫn cao ngất
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, chợ Hôm, chợ Nguyễn Văn Cừ ... giá các loại rau củ hiện nay vẫn khá cao. Cụ thể, tại chợ Hôm, có hai loại củ cải được bày bán. Một tiểu thương ở đây cho biết, loại củ cải đường loại to được bán với giá 15.000 đồng/kg, củ cải ta có giá 8.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với giá bán tại siêu thị cũng như tại các điểm “giải cứu” củ cải.
Tại các chợ dân sinh hiện nay củ cải được bán với giá 8.000 đồng - 20.000 đồng/kg. |
Tương tự, các loại rau củ khác như su hào, bắp cải... giá vẫn không hề giảm. Su hào tại chợ được bán với giá 5.000 đồng/củ, bắp cải có giá 15.000 đồng/kg.
Còn tại chợ Nguyễn Văn Cừ, các tiểu thương vẫn bán củ cải với số lượng nhỏ nhưng với giá 20.000 đồng/kg. Khi được hỏi, củ cải đang được người dân giải cứu, giá chỉ có 5.000 đồng, tại sao giá tại chợ vẫn cao, tiểu thương tại chợ này cho hay, giá vẫn cao bởi các tiểu thương nhập các loại rau tại các chợ đầu mối vẫn giữ giá nên hầu như giá bán không thay đổi so với trước đây.
Trước đó, do giá củ cải quá rẻ, chỉ khoảng 500 - 1.000 đồng một kg mà thậm chí còn bị thương nhân từ chối thu mua nên người dân xã Tráng Việt, Mê Linh đã đem nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải để chờ tiêu huỷ. Những ruộng củ cải trắng đang vào thời kỳ thu hoạch nhưng buộc phải nhổ bỏ khiến nhiều gia đình thua lỗ hàng chục triệu đồng. Vài ngày gần đây, nhiều đơn vị, cá nhân đã tích cực giúp người dân "giải cứu củ cải" và hiện giá loại củ này đang nhích dần lên, giá củ cải tại các điểm "giải cứu" là 5.000 đồng/kg.
Điệp khúc "giải cứu", vì đâu?Câu chuyện "giải cứu" hàng nghìn tấn củ cải của người nông dân Tráng Việt (Mê Linh - Vĩnh Phúc) cũng là "điệp khúc" quen thuộc với nông sản Việt nhiều năm qua. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại,
nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, hơn chục năm nay cậu chuyện “giải cứu” nông sản vẫn như vậy, chưa có sự thay đổi. Nguyên nhân của những cuộc "giải cứu" chính là sự thiếu liên kết của người dân, doanh nghiệp để đưa nông sản vào các cửa hàng, siêu thị. Cùng với đó là thiếu quy hoạch sản xuất, người dân hiện trồng trọt theo phong trào, dẫn tới nguồn cung vượt cầu, thương lái ép giá và người dân trắng tay.
Điều quan trọng nữa là vấn đề phân phối lợi nhuận các khâu trong chuỗi san xuất hiện chưa rõ ràng. Ví dụ như ở Thái Lan, 1 kg đường thì người nông dân sẽ được hưởng 70% giá trị, còn lại 30% dành cho các khâu phân phối, bán lẻ... còn ở Việt Nam thì ngược lại, nông dân lại chỉ nhận được 30% giá trị sản phẩm bán ra.
Ông Phú cũng chỉ ra, nguyên nhân do Nhà nước chưa có chính sách dự trữ chiến lược nên người dân còn gặp khó khăn. "Như ở nước Đức, Nhà nước xây dựng cơ sở bảo quản nông sản tươi sống cho nông dân gửi miễn phí, khi nào được giá mới bán, như vậy thì làm sao có chuyện ép giá? Còn ở Việt Nam, cá đánh buổi sáng, chiều không bán được thì thành cá ươn, bà con ĐBSCL thu hoạch lúa rải ra đồng, chuột bọ gặm nhấm, dưa hấu chở lên cửa khẩu 3 ngày không thông quan bán được thì bỏ đi... ", ông Phú cho hay.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú. |
Cùng với đó, sàn giao dịch mua bán hàng hóa ở Việt Nam chưa được hình thành, chưa minh bạch dẫn đến người nông dân phải chịu thiệt thòi lớn. Lấy ví dụ về một dịp sang Hàn Quốc, ông Phú cho biết, người phụ nữ trồng khoai lang còn biết ngày hôm đó bán khoai ở đâu tốt nhất, giá cao nhất, bởi họ có sàn giao dịch nông sản. Đây chính là những nguyên nhân này dẫn đến vòng luẩn quẩn được mùa mất giá của Việt Nam – một quốc gia được cho là có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.
Ông Phú cho rằng, việc kêu gọi người dân, doanh nghiệp mua ủng hộ người dân ở mỗi cuộc “giải cứu” chỉ là giải pháp tình thế. Nếu không có tư duy lâu dài thì tình trạng này sẽ vẫn liên tiếp xảy ra. Do đó, cần cung cấp thông tin thị trường cho người nông dân. Các Bộ, ngành, nhà khoa học phải vào cuộc, có những nghiên cứu, định hướng rõ ràng cho người dân loại cây trồng chủ lực, tín hiệu thị trường đang cần mặt hàng nào, số lượng, quy chuẩn chất lượng ra sao, thời điểm cần thiết? Đồng thời quy hoạch, xây dựng vùng trồng hợp lý.
Cần tập trung sản xuất theo chuỗi. Các nhà quản lý cần có nghiên cứu tập trung chuỗi thực phẩm bao gồm: Thịt lợn, rau, hoa quả, gạo... đầu tư nhân lực và khoa học vào làm tốt các chuỗi này. Bởi đây là những chuỗi sản xuất gắn liền với đời sống người dân cũng như là những mặt hàng nông nghiệp thế mạnh của ta. Hơn nữa, tới đây, công cuộc hội nhập khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ tiếp tục gây sức ép lên nông sản Việt. Do đó, sức ép này sẽ buộc nông dân, doanh nghiệp tăng cường liên kết tạo chuỗi sản phẩm chất lượng nếu không muốn thua trên sân nhà.
"Hiện nay, chúng ta không có công nghiệp chế biến và dự trữ, bởi vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn tới vấn đề này, cần xây dựng những kho lưu giữ, bảo quản giảm thiệt hại cho người dân, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, được mùa mất giá", ông Phú khuyến cáo.