Do đó, việc Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 thể hiện thông điệp rằng, cải thiện môi trường kinh doanh luôn là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Điều này vừa tạo áp lực, đồng thời cũng khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho hay, với những nỗ lực chung của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, thời gian gần đây, nhìn chung, các doanh nghiệp đều đánh giá rằng, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang vững chắc dần theo thời gian. Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các nghị quyết, chỉ thị như: Nghị quyết 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030; Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Đáng ghi nhận là, các bộ vẫn đang triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Từ việc rà soát của các tổ công tác của Chính phủ, bộ ngành, báo cáo của VCCI đã thu được những cải thiện tích cực. Cụ thể như: tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi; đặc biệt là tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể trong các Luật: Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản, Nhà ở… mới thông qua, tinh thần phân cấp thể hiện rất rõ, ông Tuấn nhận xét.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh. Bởi thực tế, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh còn hình thức. Vài năm gần đây, chưa có các đề xuất cắt giảm thiếu tính đột phá. Nhiều vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét… Đặc biệt, trong quá trình rà soát cắt giảm các văn bản hiện hành, có hiện tượng các văn bản đang soạn thảo lại bổ sung rào cản mới.
Kỳ vọng vào việc Nghị quyết 02/NQ-CP sẽ được thực thi thành công, ông Tuấn khuyến nghị, cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục được thực thi một cách hiệu quả, thực chất hơn nữa. Đồng thời, phải đảm bảo được kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi, đi cùng với cơ chế để giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách độc lập.
Bên cạnh đó, có cơ chế tạo động lực cho bộ máy thực thi. Bởi việc xây dựng chính sách trong các bộ ngành rất vất vả, khối lượng rất lớn, đòi hỏi rất cao, rủi ro áp lực không ít… ông Tuấn nhấn mạnh. Do đó, để quá trình cải cách bền vững cần có cơ chế tạo động lực lâu dài cho việc thực thi. Cùng đó, các hoạt động tham vấn phải tiến hành rộng rãi và thực chất hơn. Thực tế cho thấy, những nội dung nào được tham vấn rộng rãi, công khai, có sự giám sát của xã hội thì kết quả thực chất hơn.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn những giải pháp tạo thuận lợi nhiều hơn, thực chất hơn nữa. Trong bối cảnh khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào các nhóm giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí khi mà thị trường đang bị thu hẹp, chi phí gia tăng. Chính phủ cũng đã nhận định được những thách thức năm 2024 và những giải pháp được ban hành đã thể hiện rõ tinh thần này.
Với việc triển khai quyết liệt những giải pháp đã ban hành, ông Tuấn kỳ vọng năm 2024 các doanh nghiệp sẽ có sự hỗ trợ kịp thời từ đó thích ứng tốt, vượt qua khó khăn, cùng đưa nền kinh tế tăng tốc.