Trong báo cáo phân tích chuyên sâu về thị trường mới đây, VanEck đã phân tích quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ “thị trường cận biên” sang “thị trường mới nổi” và chỉ ra những bước cải cách đã giúp Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Ông John Patrick Lee, Giám đốc về Sản phẩm tại VanEck, nhận định: “Các cải cách kinh tế của Việt Nam đã tạo ra một chu kỳ tích cực: cải cách thúc đẩy xuất khẩu, xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đó thúc đẩy nhu cầu trong nước tăng. Quỹ đạo này đã định vị Việt Nam trở thành một phần năng động và không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu, với thị trường nội địa tiếp tục cho thấy có tiềm năng tăng trưởng mạnh”.
Ông Lee cũng chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy nhờ dân số trẻ và ngày càng tăng, với hơn 60% dân số dưới 30 tuổi và tỷ lệ biết chữ trên 90%. Lợi thế này đang thúc đẩy nhu cầu trong nước do tầng lớp trung lưu tăng với thu nhập khả dụng cũng tăng. So với các thị trường mới nổi khác, tỷ lệ tiêu dùng tư nhân trên GDP của Việt Nam xếp ở mức trung bình. Nhu cầu nội địa cao giúp Việt Nam chống chịu được những thách thức bên ngoài, bao gồm các chính sách bảo hộ từ các đối tác thương mại lớn như Mỹ và suy thoái kinh tế từ các nước khác như Trung Quốc.
Đề cập thị trường chứng khoán, VanEck tin rằng Việt Nam là một cơ hội mới mà các nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng. Ông Lee nhấn mạnh: “Bất chấp những cú sốc vĩ mô bao gồm đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế ở Trung Quốc, thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn vượt trội so với các tiêu chuẩn chung của các thị trường mới nổi kể từ năm 2018”.
Ông Lee nhìn thấy những cơ hội to lớn từ những cổ phiếu trong lĩnh vực tài chính, bất động sản và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.