Bắc Ninh đồng thuận xử lý dứt điểm ô nhiễm làng nghề

Bắc Ninh nổi tiếng với các làng nghề truyền thống, cùng với mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương, làng nghề đang phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường.

Chú thích ảnh
Hạ tầng tại cụm công nghiệp Châu Khê, thành phố Từ Sơn xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Với sự quyết liệt, đồng bộ, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, “màu xanh” làng nghề đang dần trở lại.

Quyết liệt xóa bỏ ô nhiễm làng nghề

Không còn cảnh hàng trăm ống khói đen kịt bủa vây trên bầu trời hay dòng sông Ngũ Huyện Khê, giờ đây làng nghề giấy Phong Khê, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh như được khoác trên mình bộ áo mới. Ngày nay vào Phong Khê, có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người dân bỏ khẩu trang đi bộ ngoài đường mà có lẽ trước đây cảnh này thật hiếm xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Quân, phường Phong Khê chia sẻ: “Trước đây, khi các doanh nghiệp sản xuất giấy còn hoạt động, chúng tôi ở nhà cũng vẫn phải đeo khẩu trang bởi khói, bụi bủa vây. Nhiều khi sân vừa được quét vào đêm hôm trước nhưng sáng hôm sau đã phủ 1 lớp bụi dày đặc. Ô nhiễm môi trường nhiều năm khiến cuộc sống của người dân nơi đây luôn bị áp lực. Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất giấy không còn hoạt động, cuộc sống của chúng tôi bắt đầu được hồi xanh từ đây”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: Trước khi tiến hành kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, từ nhiều năm trước, thành phố đã xây dựng lộ trình để xử lý các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê không bảo đảm về môi trường, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hội nghị đối thoại, hỗ trợ thông tin địa điểm tới cơ sở, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố Từ Sơn tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho các hộ dân tại cụm công nghiệp Châu Khê, thành phố Từ Sơn. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Thực hiện theo lộ trình, thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý toàn bộ 201 cơ sở, hộ kinh doanh trong khu vực dân cư và làng nghề, 137 cơ sở trong hai cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II. Các cơ sở vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, xử lý chất thải, nước thải… đều buộc phải tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy, hơi, tái chế nhựa trên địa bàn phường Phong Khê đã dừng hoạt động sản xuất. UBND thành phố Bắc Ninh thường xuyên chỉ đạo Đoàn kiểm tra, giám sát của thành phố  phối hợp chặt chẽ với điện lực thành phố, Điện lực Yên Phong (giám sát công suất điện trên đồng hồ đo xa của điện lực), lực lượng Công an phường Phong Khê, UBND  phường Phong Khê để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình hoạt động sản xuất trở lại khi chưa đủ điều kiện.

“Các cơ sở trong 2 cụm công nghiệp Phong Khê I và Phong Khê II đã tạm dừng hoạt động sản xuất và chỉ được phép hoạt động trở lại sau khi hoàn thiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi  trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, thuế…, thời hạn hoạt động đến  ngày 31/12/2029”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu nhấn mạnh.

Cùng với Phong Khê, hàng loạt các làng nghề gây ô nhiễm môi trường bậc nhất tỉnh Bắc Ninh như cô đúc nhôm Mẫn Xá (huyện Yên Phong), đúc Đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), sản xuất bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), sắt thép Đa Hội (thành phố Bắc Ninh)… các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương cũng rốt ráo xử lý nghiêm. Đến nay, cơ bản tình trạng ô nhiễm làng nghề tại Bắc Ninh chấm dứt.

Chú thích ảnh
Các hộ dân sản xuất thép tại cụm công nghiệp Châu Khê, thành phố Từ Sơn dừng hoạt động. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Phó Chủ tịch UBDN thành phố Từ Sơn Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Từ cuối tháng 3/2025 đến nay, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các làng nghề, cụm công nghiệp, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã tiến hành rà soát, kiểm tra được 314 cơ sở; trong đó  có 135 cơ sở đã xin dừng hoạt động hoặc tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn thành các thủ tục hành chính về môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn điện…

Các cơ sở còn lại khi được kiểm tra đã dừng sản xuất, làm kho chứa hàng hóa, cửa hàng kinh doanh, gia công cơ khí thuộc loại hình không gây ô nhiễm, không thuộc đối tượng phải xin cấp phép môi trường. Thành phố Từ Sơn chỉ đạo các địa phương và ngành chuyên môn giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết dừng sản xuất tại các cơ sở trong cụm công nghiệp và khu dân cư, duy trì trật tự và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Về lâu dài, thành phố đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở chuyển đổi ngành nghề, di chuyển địa điểm sản xuất khỏi các cụm công nghiệp và làng nghề tái chế thép Đa Hội.

Bà Trần Thị Hữu, chủ cơ sở sản xuất đúc phôi thép Vạn Hữu, phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn chia sẻ: “Được sự vận động của chính quyền, từ năm 2001, gia đình chuyển từ sản xuất thủ công trong làng là cụm công nghiệp. Từ sản xuất nhỏ lẻ, thủ công làm cuốc, cày, liềm, bản lề cửa, đinh… gia đình đầu tư mua máy móc, xây lò để cán thép. Lúc cao điểm như năm 2018, cơ sở có đến 50 công nhân làm việc, mỗi tháng cán được khoảng 1.000 tấn thép.

Chú thích ảnh
Người dân tại Văn Môn phá dỡ lò cô đúc nhôm. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 và do biến động của thị trường, cơ sở sản xuất cầm chừng, đến năm 2024 mới có đà tăng trở lại. Tuy nhiên, do cơ sở có thời gian sản xuất từ lâu, quy mô nhỏ, không có các kiến thức pháp luật và biện pháp bảo vệ môi trường nên khi đoàn kiểm tra của thành phố đến lập biên bản, các cơ sở đã ký đơn xin tạm ngừng sản xuất. Các cơ sở cũng mong muốn chính quyền các cấp hướng dẫn, tháo gỡ để người dân khắc phục, có thể tiếp tục sản xuất hoặc có hướng chuyển đổi phù hợp.

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

“Không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài, không chấp nhận điểm nóng, vi phạm ô nhiễm môi trường tồn tại, bảo đảm sự phát triển hài hoà, bền vững” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong xử lý, tiến tới xử lý triệt để ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề và các cơ sở bị ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực đô thị đông dân cư, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh thực hiện quyết liệt các đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh 2019 - 2025”, “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo với  lộ trình thực hiện và kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý các cụm làng nghề được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, tình trạng ô nhiễm làng nghề và tại các cụm công nghiệp làng nghề của Bắc Ninh đã được cải thiện đáng kể.

Chú thích ảnh
Người dân thu dọn nguyên liệu tại cụm công nghiệp Châu Khê, thành phố Từ Sơn sau khi dừng hoạt động. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã xử lý toàn bộ “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường đã tồn tại hàng trăm năm, trả lại “màu xanh” cho làng nghề và môi trường trong lành cho nhân dân. Thành công lớn trong xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm trên tạo tiền đề vững chắc để Bắc Ninh tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm về môi trường, mở hướng phát triển mới cho làng nghề sản xuất xanh, sạch đẹp. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định: “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm và không có ngoại lệ” với ô nhiễm môi trường. Để giữ vững thành quả này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát, báo cáo đầy đủ, chính xác, trung thực các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường và kịp thời tham mưu hoặc tổ chức xử lý, giải quyết triệt để; kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý, có hành vi can thiệp trái pháp luật hoặc bao che, bảo kê cho các đối tượng vi phạm.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện. Đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch và hệ thống xử lý chất thải; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường quản lý nhà nước và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế xanh, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống làng nghề... là những đòi hỏi cấp thiết để gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp và xây dựng một tương lai bền vững cho các làng nghề trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Hạ tầng tại cụm công nghiệp Châu Khê, thành phố Từ Sơn xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2024, Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc về Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) với 27,78 điểm (năm 2023, tỉnh đứng vị trí thứ 21 cả nước). Trong từng tiêu chí cụ thể, Bắc Ninh đạt 7,64 điểm trong tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đạt 7,47 điểm tiêu chí đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; đối với tiêu chí vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh tỉnh đạt 4,88 điểm và đạt 7,78 điểm trong tiêu chí Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Cả 4 tiêu chí thành phần của tỉnh đều tăng điểm so với năm 2023.

Điều này khẳng định Bắc Ninh đang từng bước khẳng định mình trong hành trình phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm môi trường.

Thanh Thương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Rác thải đổ bừa bãi trên nhiều tuyến đường gây ô nhiễm môi trường
TP Hồ Chí Minh: Rác thải đổ bừa bãi trên nhiều tuyến đường gây ô nhiễm môi trường

TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng rác thải sinh hoạt bị đổ trộm trên nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN