Trước đó, ngày 6/11/2021, Bộ Giao thông Vận tải và thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông đã phục vụ miễn phí để người dân Thủ đô và các địa phương tham quan, trải nghiệm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên đường Sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), sau hơn 2 tháng đưa vào khai thác vận hành, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (Metro) tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ đạt mốc 1 triệu lượt hành khách vào ngày 13/1. Để kỷ niệm sự kiện này, đơn vị sẽ tổ chức đón hành khách thứ 1 triệu.
Trong tháng đầu khai thác, có hơn 620.400 lượt khách đi tàu; trong đó nhiều nhất là thời gian miễn phí với trung bình 25.000 lượt khách/ngày, sau đó đạt 16.000 lượt khách/ngày, trong đó tỷ lệ khách sử dụng vé tháng đạt hơn 20%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách trong tháng thứ hai giảm hơn, song dự kiến khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, lượng hành khách đi tàu sẽ tăng lên đáng kể.
"Sau hơn 2 tháng Metro Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác, đến nay tuyến vận hành ổn định, các chuyến tàu đảm bảo an toàn, đúng giờ, bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 theo quy định và đáp ứng chất lượng phục vụ tốt nhất cho hành khách", đại diện Hà Nội Metro cho hay.
Hiện mỗi ngày có 203 chuyến tàu Metro Cát Linh - Hà Đông phục vụ chở khách từ 5h30 - 22h. Tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến dừng đón, trả khách tại ga. Vé tàu được ngân sách trợ giá, gồm các loại: vé lượt (8-15 nghìn đồng/lượt, tính theo quãng đường đi), vé ngày (30 nghìn đồng/vé, không hạn chế lượt đi), vé tháng phổ thông (200 nghìn đồng/vé/30 ngày), vé tháng ưu đãi (100.000 đồng/vé dành cho học sinh, sinh viên), vé mua theo hình thức tập thể (30 người trở lên, 140 nghìn đồng/vé) và vé miễn phí (người có vé xe buýt miễn phí).
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng dự án.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, vốn vay ODA Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường được thiết kế với khổ đôi, ray tiêu chuẩn 1.435mm, với chiều dài 13,05km đi trên cao, gồm 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác 35km/giờ. Với biểu đồ khai thác hiện nay, thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến chỉ hết hơn 23 phút.