Trước thực trạng đó, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình theo hướng “thuận thiên” nhằm giúp ngành tôm - ngành hàng số một của địa phương phát triển ổn định, bền vững trước các thách thức được dự báo sẽ có nhiều khó khăn.
Hướng trọng tâm vào các mô hình bền vững
Đối với tỉnh Cà Mau, nông nghiệp không chỉ là “trụ đỡ” của ngành kinh tế mà còn là “chìa khóa” giúp địa phương khơi thông hàng loạt những nút thắt trong việc phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Do đó, tỉnh Cà Mau xác định, tập trung ưu tiên khuyến khích những mô hình sản xuất xanh, kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái phải luôn song hành để phát triển bền vững. Trong đó, ngành tôm, ngành hàng mũi nhọn của địa phương, phải đóng vai trò tiên phong nhằm tạo động lực cho cả nền kinh tế.
Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng được các ngành chức năng, các địa phương và nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), Công ty Cổ phần Camimex Group Cà Mau và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn đã liên kết với các Ban quản lý rừng và các hộ dân nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP...
Đến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha tôm - rừng, tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Trong đó, có khoảng 20.000 ha, với gần 4.200 hộ nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế.
Ông Phan Minh Trí, Giám đốc Hợp tác xã Đại Đoàn Kết, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển cho biết, việc phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng thời gian qua có tác động tích cực tới nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn ở địa phương.
“Thông qua thực hiện mô hình, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Mô hình không chỉ giúp hài hoà lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng mà còn phát huy khả năng giữ đất, chống sạt lở, bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái. Mặt khác, mô hình còn kết hợp nuôi các loài thủy sản khác để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phan Minh Trí cho biết.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đánh giá, qua quá trình triển khai, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Song song đó, đây là mô hình nuôi sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí đầu tư thấp, đem lại thu nhập khá cao cho nông dân nhưng lại tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng của các thị trường nhập khẩu khó tính.
Không dừng lại ở đó, hiện toàn tỉnh có khoảng 45.000 ha sản xuất tôm - lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Đây được xem là mô hình thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Ông Trần Quyết Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau cho biết, để thực hiện mô hình thì tôm sẽ được thả nuôi trong mùa khô và trồng lúa trong mùa mưa. Với mô hình này, quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa làm cho nhiều mầm bệnh trên tôm không sống được trong môi trường nước ngọt và ngược lại. Sau khi thu hoạch lúa, phần gốc rạ sẽ là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Những chất thải trong quá trình nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng để cây lúa phát triển tốt. Chính vì lợi ích kép này mà nông dân canh tác lúa - tôm không cần sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường và an toàn đối với sức khỏe cộng đồng.
Để góp phần phát triển các mô hình nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tôm siêu thâm canh không xả thải. Hiện đang trong quá trình nghiệm thu dự án nghiên cứu và tổ chức triển khai, nhân rộng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai 3.000 ha nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn, giảm thải carbon trên địa bàn huyện Cái Nước và Phú Tân. Trong đó, có 300 ha trình diễn mô hình nuôi gắn với tổ chức sản xuất, liên kết với tổ chức chứng nhận vùng nuôi và nhà mua.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quách Văn Ấn thông tin, đây là những tiến bộ kỹ thuật quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không chỉ thích ứng mà hướng đến chống biến đổi khí hậu. Qua đó, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của con tôm Cà Mau trên thị trường thế giới.
Với cách làm căn cơ trong thời gian qua, ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đều trên 1 tỷ USD.
Chủ động đưa ra lộ trình phù hợp
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án lớn phát triển kinh tế gắn với tái tạo và khôi phục tự nhiên, bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng thích ứng với biến đổi khí hậu, đã mở ra nhiều cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng “thuận thiên”.
Với những tiền đề quan trọng đó và với vai trò là một trong “Tứ giác động lực” phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đã có cách tiếp cận mới trong sản xuất, chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó. Trong đó, tỉnh Cà Mau đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu như: mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa hữu cơ, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn… Đặc biệt trong đó có mô hình doanh nghiệp xã hội được nhiều doanh nghiệp theo đuổi và đã đạt được những thành công bước đầu, hiện đang tiếp tục mở rộng.
Qua quá trình triển khai thực hiện các mô hình tại địa phương, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đánh giá, đây là chuỗi sản xuất hài hoà, cùng chia sẻ giữa nhà nông và doanh nghiệp, với những hình thái sản xuất thuận thiên, ít tác động, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận và tính cạnh tranh.
“Đó là sự cân bằng trong sản xuất theo điều kiện thực tế và môi trường sinh thái của địa phương, mùa lúa - mùa tôm đối với nội đồng; còn vùng ven biển thì trên là cây rừng, dưới là thuỷ sản. Chan hoà với thiên nhiên, dựa vào tự nhiên; ít tác động, ít đầu tư nguồn vốn, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng đem đến hiệu quả kinh tế, lại bền vững”, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh.
Nhằm hướng mục tiêu phát triển ngành tôm địa phương trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, vừa qua tỉnh Cà Mau đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức sản xuất với những mô hình phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng ngành tôm của địa phương. Qua đó, đưa sản phẩm tôm của địa phương có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước.
Tỉnh Cà Mau cũng đề mục tiêu cụ thể mà địa phương hướng đến là đến năm 2025 sẽ nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD; đến năm 2030 là khoảng 1,65 tỷ USD, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là 6 tỷ USD. Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng.
Kế hoạch mà tỉnh Cà Mau đề ra được xem là phù hợp, kịp thời, nhất là trong bối cảnh mà hàng loạt các dự báo từ các nhà khoa học, ngành chức năng đều cho rằng, trong thời gian tới, ngành tôm Cà Mau sẽ phải đối mặt với càng nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhìn nhận, thách thức lớn nhất vẫn là những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến thời tiết thay đổi thất thường hơn kết hợp cùng với việc môi trường nuôi chưa được kiểm soát tốt, chưa chủ động được nguồn cung tôm giống, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, giá cả vật tư đầu vào cao sẽ khiến sản phẩm tôm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Do vậy, việc phát triển chuỗi giá trị thủy sản theo hướng xanh, carbon thấp và thích ứng biến đổi khí hậu là một tất yếu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của sản phẩm tôm địa phương. Cà Mau kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam về chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới…