Thời tiết bất lợi, khó dự đoán, cộng với nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao đã khiến tôm nuôi sốc, ăn kém, chậm lớn, dễ mắc bệnh, trong thời điểm tình hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có Bạc Liêu.
Đã có không ít hộ nuôi thiệt hại rất sớm sau thả giống khoảng 1 tháng. Bên cạnh đó, giá tôm thời gian qua cũng ở mức khá thấp. Rủi ro cao, chi phí sản xuất cao nhưng giá tôm thấp đã khiến nhiều nông dân e ngại khi tái sản xuất. Họ thả tôm cầm chừng và chờ đợi giá tôm tốt hơn mới đẩy mạnh thả nuôi trở lại.
Ông Hứa Văn Quốc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hiện gia đình đã bắt đầu thả nuôi vụ mới, nhưng rất lo ngại về diễn biến bất thường của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và phát triển của tôm nuôi. Nhất là trong vài năm nay tình hình giả cả bấp bênh, chi phí sản xuất lại tăng cao khiến cho việc nuôi tôm của người dân không có lợi nhuận. Người nuôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đến việc nạo vét các tuyến kênh để khi đưa nước vào nuôi tôm được sạch và an toàn.
Kỹ sư Phạm Văn Tới, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thông tin, mùa nắng nóng này là thời điểm chính vụ thả nuôi chính và hiện tại người dân trên địa bàn huyện đã thả nuôi được 100% diện tích. Hiện, tôm đã được gần 2 tháng tuổi và có một số diện tích thả nuôi nằm ở cuối nguồn nên có bị thiệt hại, nhưng không đáng kể.
Với tình hình nhiệt độ và độ mặn như hiện tại, ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các ngành chuyên môn của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tăng cường hướng dẫn đến bà con nông dân tích cực bơm trữ nước trong các ao tôm để làm giảm nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm, để tôm nuôi không bị sốc nhiệt, không bị thiệt hại và phát triển ổn định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu hiện có trên 140.000 ha nuôi trồng thủy sản và là một trong số 3 tỉnh, thành có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Sản lượng hàng năm của Bạc Liêu đóng góp từ 20 - 21% tổng sản lượng tôm nuôi toàn quốc. Trong năm 2023, Bạc Liêu có trên 132.000 ha thả nuôi tôm. Riêng đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh đã có 25 tổ chức và trên 800 cá nhân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 5.000 ha và có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước, có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, của cả nước nói chung ngày một phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tôm như hiện nay, một thách thức lớn đang đặt ra không chỉ Bạc Liêu mà đối với tất cả các tỉnh, thành nuôi tôm trên phạm vi cả nước đó là “bài toán” về môi trường, dịch bệnh trong sự phát triển bền vững của ngành tôm. Cũng như một số khó khăn của ngành thủy sản như thiếu hụt nguồn nguyên liệu, liến kết trong sản xuất và tiêu thụ, chi phí sản xuất, giá tôm…
Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, năm 2024 là năm đầy thách thức của ngành tôm; trong đó, tình hình hạn hán xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài sẽ tác động trực tiếp môi trường nuôi tôm và là tác nhân gây ra nhiều loại dịch bệnh trên tôm. Song song đó, giá tôm khó có thể phục hồi như giá nhiều năm trước do lĩnh vực xuất khẩu tôm của tỉnh cũng đang gặp khó khăn. Vì vậy, để nuôi có lợi nhuận nông dân phải hết sức thận trọng, lựa chọn thời điểm thả giống phù hợp, kiểm soát tốt môi trường nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng hơn cho đàn tôm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam đứng Top 12 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2024, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết, việc sản xuất tôm thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ là giải pháp cấp trong thời gian tới.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, một trong những vấn đề mà chúng ta quan tâm, nhất là trong mùa vụ tôm 2024 là tình hình hạn hán xâm nhập mặn mùa khô và biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay. Từ đó, buộc chúng ta phải có những thay đổi để ứng dụng khoa học kỹ thuật để quản lý tốt môi trường và ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay; nhất là, giúp các địa phương, người dân và doanh nghiệp tôm có những thay đổi về nhận thức, cách tổ chức sản xuất và nuôi phù hợp với điều kiện thực tế.
Thời tiết đang ngày càng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; trong đó nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực chịu nhiều tác động. Hầu hết các mô hình nuôi như: quảng canh, thâm canh – bán thâm canh, thậm chí là mô hình siêu thâm canh điều rơi vào khó khăn lớn. Ngành tôm của tỉnh Bạc Liêu cũng rơi vào tình trạng khó sản xuất, khó nuôi thành công, khó giảm chi phí nuôi và khó bán được giá.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để con tôm tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh thông qua việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền giới thiệu mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Qua đó, vận động các doanh nghiệp, các hộ có đủ điều kiện chuyển đổi từ nuôi tôm thâm canh truyền thống lên mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; các công ty, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho các hộ nuôi xây dựng mô hình nuôi phù hợp với diện tích hiện có, tư vấn quy trình nuôi và kết nối với các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay, các chính sách ưu đãi về lãi suất để hộ nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình.