Gỡ khó trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm công nghệ cao

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã phát huy tối đa vai trò là “trụ đỡ”; trong đó, con tôm đóng vai trò nòng cốt trong cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại tỉnh Cà Mau. 

Để ngành tôm phát triển vền vững, tỉnh Cà Mau đang chú trọng phát triển các loại hình nuôi đáp ứng được nhiều tiêu chí như cho sản lượng lớn, thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được địa phương chú trọng triển khai cũng như mời gọi đầu tư. 

Đa dạng các loại hình nuôi

Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, bình quân cho sản lượng tôm nuôi đạt trên 200.000 tấn/năm, Cà Mau đã chiếm gần 40% diện tích nuôi và chiếm khoảng 22% sản lượng tôm nuôi của cả nước. Với diện tích nuôi lớn, ổn định nên để tăng sản lượng tôm nuôi phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu thì Cà Mau đang tập trung quy hoạch lại vùng nuôi, áp dụng các loại hình nuôi hiện đại, bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, địa phương đã tập trung phát triển nuôi tôm theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp,VietGAP... Ðến nay, đã được nhiều tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước cấp 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland. Nhờ đó, riêng năm 2023, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt 636.025 tấn, tăng 3,2%; trong đó, sản lượng tôm 242.810 tấn, tăng 6,64%.

Để thúc đẩy lĩnh vực tôm nuôi bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau đã phối với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan khởi động Dự án “Nhân rộng quy mô nuôi tôm rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, với diện tích trên 2.500 ha rừng và trên 700 hộ dân tham gia, với tổng kinh phí thực hiện là 650.000 AUD.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Liên Minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA) thông tin, trong quá trình triển khai dự án, VSSA sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về trồng rừng ngập mặn; quản lý, cung cấp khoản tín dụng cho nhóm phụ nữ; huy động sự tham gia của các bên liên quan để thay đổi chính sách và hợp tác với các doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của dự án. Công ty cổ phần Tôm Miền Nam sẽ cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân; xây dựng chuỗi giá trị tôm hữu cơ từ sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua đến chế biến, xuất khẩu; hỗ trợ dịch vụ môi trường rừng bằng tiền mặt hàng năm…

“Tỉnh Cà Mau là địa phương chịu tác động nặng nề biến đổi khí hậu, nhất là các hộ dân nuôi tôm ven biển. Vì thế, địa phương rất cần có chiến lược, dự án nhằm tăng chất lượng đời sống, thu nhập và khả năng thích ứng cho người nuôi tôm”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, trong chuyến khảo sát mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của người dân vừa qua, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ, trong thời điểm hiện nay để thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh rất khó khăn. Bởi hiện nay không có một mô hình cụ thể nào có thể áp dụng chung cho tất cả các vùng sản xuất của địa phương, mà nó còn phụ thuộc  vào hàng loạt các điều kiện như: Môi trường nước, khí hậu, con giống... Dù vậy, việc áp dụng bất cứ một mô hình nuôi nào đi nữa vẫn phải hướng đến tính hiệu quả bền vững, giá thành nuôi thấp, hạn chế rủi ro, nhất là chú trọng nuôi tôm sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, người tiêu dùng tôm trên thế giới hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đặc biệt quan tâm đến phương thức nuôi, điều này quyết định giá tôm có cao hay không. “Mục tiêu hạ giá thành sản xuất rất khó thực hiện được khi các vùng nuôi lớn chưa được hình thành, Cà Mau không khuyến khích các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nhỏ lẻ. Người dân thực hiện các mô hình nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, với mục tiêu đã đề ra. Các ngành chức năng cần phải quan tâm, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật, cách nuôi để đạt hiệu quả cao nhất, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lưu ý.

Gỡ khó trong thu hút đầu tư

Chú thích ảnh
Cà Mau đang tập trung quy hoạch lại vùng nuôi, đồng thời áp dụng các loại hình nuôi hiện đại, bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. 

Theo Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về ngành tôm, với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, hình thành các vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau; trong đó, phấn đấu đến năm 2025, Cà Mau đạt diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là 5.000 ha, sản lượng 110.000 tấn, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha/năm (tính theo tổng diện tích); đến năm 2030 đạt diện tích 8.000 ha, sản lượng đạt 179.200 tấn, năng suất bình quân 22,4 tấn/ha/năm.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau chú trọng phát triển các loại hình nuôi đáp ứng được nhiều tiêu chí như cho sản lượng lớn, thân thiện với môi trường; trong đó, các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được địa phương chú trọng triển khai cũng như mời gọi đầu tư. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, thực trạng nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, quy mô nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ. Tính đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có gần 4.800 ha (gần 5.000 hộ) nuôi tôm siêu thâm canh, hầu hết diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là của các hộ dân tự đầu tư, còn lại một số ít doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Châu Công Bằng nhìn nhận, việc quy hoạch còn chậm, quản lý quy hoạch còn bất cập, bên cạnh đó là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa khai thác hiệu tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

“Tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, thời tiết; tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, chưa có nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả để phổ biến nhân rộng", ông Bằng nêu cụ thể.

Để tháo gỡ khó khăn trong mời gọi đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước hết Cà Mau cần giải quyết được các vấn đề về quy hoạch; trong đó rà soát, thực hiện quy hoạch ngành sao cho phù hợp quy hoạch chung của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Với những “nút thắt” đã nhận diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát quy hoạch chuyên ngành trên cơ sở quy hoạch tỉnh, từ đó tính toán cụ thể cho từng khu vực nuôi tôm theo quy định; khuyến cáo người nuôi phải thực hiện quy trình theo hướng tuần hoàn, đảm bảo môi trường, an toàn sinh học; rà soát lại điều khoản của Luật Đất đai về các dự án được thu hồi đất để thực hiện quy hoạch sử dụng đất theo quy định; tìm ngay các giải pháp để hạ giá thành suất đầu tư hạ tầng các khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung...

Bài và ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm thân thiện môi trường
Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm thân thiện môi trường

Ngày 21/2, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng Đoàn công tác đến khảo sát triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học tại ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN