Đến với Công ty Tuyển than Hòn Gai những ngày tháng 6, trong cái nắng đổ lửa của mùa Hạ, Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai đặt tại phường Làng Khánh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh của công ty vẫn đang hoạt động hết công suất để hoàn thành tiến độ công việc và kế hoạch sản xuất 6 tháng. Đây là đơn vị được thành lập mới trong quá trình sáp nhập của Công ty Tuyển than Hòn Gai.
Tuyển than Hòn Gai với nhiệm vụ chính là vận chuyển than từ các mỏ về sàng tuyển, chế biến thành sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mặc dù thị trường tiêu thụ than không ổn định về nhu cầu phẩm cấp chất lượng, nhà máy tuyển hoạt động có lúc thiếu ổn định, nhưng thời gian qua công ty đã có nhiều giải pháp chỉ đạo bảo đảm nhịp độ sản xuất đặt yêu cầu đặt ra. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch Tập đoàn giao từ 5-10%.
Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Công ty Tuyển than Hòn Gai Bùi Hữu Lý cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hàng năm của Tập đoàn giao, Đảng ủy Công ty đã ban hành các nghị quyết chỉ đạo điều hành, chủ động đề ra các giải pháp và ký kết giao ước thi đua với các đơn vị; phối hợp điều hành công nghệ cân đối giữa than đầu vào và than sản xuất, chế biến kịp thời đáp ứng đơn hàng tiêu thụ và đảm bảo nhà máy tuyển sản xuất hiệu quả.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây công ty phải thực hiện hai cuộc “đại phẫu” lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Đó là từ ngày 1/3/2017, công ty đã thực hiện sáp nhập giữa Công ty Kho vận Hòn Gai và Công ty Tuyển than Hòn Gai. Sau khi sáp nhập, công ty có nhiệm vụ sàng tuyển, tiêu thụ than trên địa bàn Hạ Long. Tại thời điểm này, Công ty đã tiếp nhận 900 lao động từ công ty Kho vận Hòn Gai nâng tổng số lao động của cả đơn vị trên 2.200 người. Điều này dẫn đến tình trạng thừa lao động và mô hình sản xuất của công ty chưa ổn định, tư tưởng của cán bộ công nhân và người lao động cũng bị dao động
Để sắp xếp lại và bố trí lao động hợp lý, Ban lãnh đạo công ty đã họp bàn và thống nhất công khai minh bạch trong sắp xếp bộ máy. Theo đó, công ty xây dựng tiêu chí từng chức danh để bỏ phiếu theo định biên. Cụ thể, nhân viên bỏ phiếu tín nhiệm cho cán bộ, các chức danh bỏ phiếu cho nhau… và tất cả quy trình này được thực hiện công khai chuyển về lãnh đạo công ty họp và thống nhất. Những cán bộ xung phong xuống sản xuất thì sẽ không nặng về bỏ phiếu. Những nhân viên chuyển từ Công ty Kho vận Hòn Gai sẽ chuyển về các phân xưởng sản xuất của công ty. Nhờ đó, công nhân sẽ không bị mất việc và vẫn giữ được những lao động có tay nghề.
Từ 1/1/2019, công ty lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện Quyết định của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than về việc chấm dứt hoạt động sản xuất tại khu vực Nam Cầu Trắng trong khi dự án Trung tâm chế biến và Kho than tập trung giai đoạn 1 chưa hoàn thành để đưa vào sản xuất. Việc chấm dứt hoạt động khu vực Nam Cầu Trắng đồng nghĩa với việc phải chấm dứt hợp đồng lao động của gần 500 người do không bố trí được việc làm và điều đó lại một lần nữa ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng cán bộ công nhân viên lao động trong toàn công ty. Sau khi dừng hoạt động sản xuất tại khu vực Nam Cầu Trắng, công ty chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại lao động dôi dư cho từng thời điểm cụ thể.
Ông Bùi Hữu Lý bày tỏ, việc giải quyết số lượng lao động này như thế nào cho thỏa đáng, hợp lý cũng là một vấn đề mà đơn vị đặc biệt lưu tâm bởi đây là việc khó. Trước tiên, đối với những người đủ độ tuổi về hưu trước tuổi, công ty đã thực hiện vận động, động viên, khuyến khích khoảng 30 trường hợp. Công ty cũng đã trình phương án xử lý lao động dôi dư, giữ lại một số lao động đã có tay nghề cao, công nhân công nghệ sàng tuyển, thợ sửa chữa để phục vụ sau khi nhà máy tuyển di chuyển vào khu vực phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long. Tổng số lao động khoảng 90 người và họ sẽ được tính vào định biên lao động của công ty và được bố trí làm tại phân xưởng sàng mới và một số đơn vị sản xuất khác.
Một phương án nữa là đơn vị thực hiện điều chuyển lao động trong nội bộ TKV và cụ thể là các đơn vị trong khối sàng tuyển, kho vận như: Tuyển than Cửa Ông, Kho vận Đá Bạc, cũng như một số đơn vị sản xuất, tiêu thụ than trong vùng Hạ Long như Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai, Núi Béo.. với khoảng 100 lao động. Với hơn 300 lao động còn lại, do không có nhu cầu hoặc không đáp ứng đủ điều kiện điều chuyển nội bộ hay nghỉ hưu trước tuổi, công ty tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trước khi tiến hành, công ty giới thiệu lý lịch trích ngang của số lao động này đến các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh Quảng Ninh, cũng như các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh và trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, Quản đốc phân xưởng, Trung tâm chế biến than tập trung vùng Hòn Gai tâm sự, ban đầu anh em cũng rất lo lắng, hoang mang khi có sự thay đổi nhưng lãnh đạo Công ty và lãnh đạo Phân xưởng cùng khuyến khích, động viên và nhờ đó, anh em trong phân xưởng yên tâm công tác, luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau, nâng cao sản lượng. Khi công nhân về phân xưởng, công nhân cử đi học và tiếp quản vận hành. Hiện nay, lương bình quân của công nhân tại đây đạt đạt hơn 9 triệu đồng/tháng. Phân xưởng luôn hoàn thành vượt trên 100% kế hoạch.
Sắp tới, Công ty Tuyển than Hòn Gai sẽ mở rộng Trung tâm chế biến và Kho than tập trung, công ty sẽ đưa số lao động trong nội bộ TKV trở lại để vừa không phải tuyển thêm lao động và không mất thời gian đào tạo cũng như không làm biến động lực lượng lao động của công ty. Đến nay, sau hai lần tái cơ cấu, mô hình tổ chức công ty hiện còn lại 10 phân xưởng và 10 phòng và lao động còn lại 1.389 người. Đời sống của người lao động vẫn ổn định. Thu nhập trung bình của người lao động tăng từ 7,5 triệu đồng (năm 2016) đến 9,5 triệu đồng (năm 2020)
Theo ông Bùi Hữu Lý, công ty sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu lao động, triển khai mô hình mẫu theo chỉ đạo của tập đoàn TKV. Đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến, đổi mới quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho cán bộ và người lao động. Cùng đó, chú trọng và làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, quản lý của công ty trong các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, xây dựng đội ngũ cán bộ lành nghề, chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao và gắn bó lâu dài với công ty.
Từng bước gỡ khó
Công ty Tuyển than Hòn Gai chỉ là một trong số các đơn vị của TKV thực hiện sắp xếp tái cơ cấu và đạt được hiệu quả cao. TKV cho biết, tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020, trong năm 2020, Tập đoàn triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ – Tập đoàn; trong đó, tập trung hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất và tài chính. Đồng thời, tiếp tục triển khai thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020 sau khi nhà nước tháo gỡ các vướng mắc về định giá doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ chỉ đạo thành công việc thí điểm hợp nhất Công ty cổ phần Than Cao Sơn và Công ty cổ phần than Tây Nam Đá Mài để rút kinh nghiệm triển khai đối với các đơn vị khác; tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020, trên cơ sở đó xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, Tập đoàn đã thoái thành công toàn bộ phần vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà. Như vậy, TKV đã hoàn thành thoái vốn tại 5 đơn vị, gồm: Công ty cổ phần đại lý hàng hải (từ 85% xuống còn 20%); Công ty cổ cổ phần Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng (từ 99,27% xuống còn 34,27%); thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Vận tải thủy, Công ty khoáng sản Steung Treng và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà.
Tổng số tiền thoái vốn thu về hơn 238 tỷ đồng, thặng dư hơn 29 tỷ đồng. Đồng thời, đã thu hồi nốt số vốn còn lại tại Quỹ đầu tư BIDV, hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn tại Quỹ đầu tư BIDV, thặng dư gần 11 tỷ đồng sau thoái vốn.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đã triển khai cổ phần hóa và chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ – TKV và 4 đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng, Công ty Nhôm Đắk Nông, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ.
Đồng thời, triển khai xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện phương án chuyển nhượng cổ phần tại các đơn vị thành viên khác theo Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, do có vướng mắc khách quan về việc lập phương án xử lý, sắp xếp nhà đất và cơ chế, chính sách về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp cũng như việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử nên chưa thể thực hiện được việc cổ phần hóa và thoái vốn theo kế hoạch.
TKV về cơ bản cũng đã hoàn thành việc tăng tỷ lệ nắm giữ lên 65% vốn điều lệ tại 6 công ty cổ phần sản xuất than theo đúng đề án tái cơ cấu...