Khai trường mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Theo đó, Tập đoàn đã hoàn thành ký hợp đồng mua bán than năm 2017 với các khách hàng mua than ở thị trường trong và ngoài nước, các hợp đồng bảo hiểm và vận tải than. Đặc biệt, Tập đoàn đã trao đổi hợp đồng dài hạn xuất khẩu than với các khách hàng Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chi phí giá thành than khai thác trong nước, thuế suất thuế tài nguyên môi trường, giúp giá than trong nước bình đẳng hơn trong cạnh tranh.
Về xuất khẩu than, Bộ Công Thương cũng đã tạo thuận lợi tối đa, nhưng bên cạnh khó khăn do giá thành, xuất khẩu gặp khó do vướng phải hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc về lượng phốt pho tồn dư trong than, nên hiện tại ngành than chỉ trông đợi thị trường trong nước. Nhưng nếu cứ để giá than như hiện nay thì ngành than vẫn tiếp tục gặp khó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Theo TKV, năm nay, về cơ chế, chính sách cũng có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho ngành than, nhất là để giảm lượng than tồn kho. Bởi bắt đầu từ cuối năm 2016, Chính phủ đã chính thức cho phép TKV tăng sản lượng xuất khẩu đối với các loại than chất lượng cao mà hiện tại thị trường nội địa chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu rất thấp trong giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, TKV căn cứ vào tình hình sản xuất, tỷ lệ cung - cầu để cân đối sản lượng than xuất khẩu. Năm nay, Tập đoàn thực hiện xuất khẩu 2 triệu tấn than đá có nhiệt lượng cao tại khu vực Vàng Danh, Nam Mẫu. Cùng với đó, ký kết hợp đồng tiêu thụ với đối tác nước ngoài nên thị trường trong nước đã có dấu hiệu tốt trở lại.
Để nâng cao chất lượng than đảm bảo điều kiện cho tiêu thụ, Tập đoàn chỉ đạo đầu tư phù hợp các hệ thống sàng tuyển than tại các mỏ trên địa bàn Quảng Ninh để tuyển các loại than xấu, bã sàng, đất đá lẫn than nhằm nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than. Công tác cơ giới hóa các khâu bốc rót, pha trộn cũng được triển khai theo hướng băng tải hóa; không tiến hành sàng tuyển than nhỏ lẻ, thủ công tại các kho cảng, bến xuất than.
Đối với các nhà máy sàng tuyển than mới như Nhà máy Tuyển than Khe Chàm, Tuyển than Vàng Danh 2, sẽ đầu tư theo hướng tự động hóa đồng bộ một cách tối đa. Còn với các nhà máy đang hoạt động như Tuyển than Cửa Ông, Tuyển than Vàng Danh 1 tiếp tục phục hồi tự động hóa các khâu vận hành liên động của nhà máy, hoàn thiện công tác xử lý bùn nước, bã sàng, đầu tư các hệ thống tự động hóa, đo lường tự động hóa và điều khiển tập trung..
Cũng theo TKV, dựa trên sự phân tích, đánh giá kỹ lưỡng từ nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, TKV đã xây dựng và tích cực triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ than. Căn cứ nhu cầu thị trường, Tập đoàn xác định cụ thể sản lượng, chủng loại than giao cho từng đơn vị sản xuất, chế biến theo nguyên tắc giữ vững năng lực sản xuất, ổn định việc làm trong các dây chuyền công nghệ, thu nhập cho người lao động và hiệu quả chung của Tập đoàn.
Bên cạnh những thuận lợi, TKV cũng nhận định rõ những khó khăn để chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực, chủ động hơn nữa trong chế biến, pha trộn, tìm kiếm khách hàng... Đồng thời giữ các mối tiêu thụ tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng về chủng loại than và tiến độ giao hàng; tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng than giao cho khách hàng.
Thời điểm này, khối sản xuất than của ngành đã chuẩn bị phương án tăng sản lượng khi có yêu cầu của Bộ Công Thương nhằm thực hiện nhiệm vụ đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tìm các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc thuê ngoài chế biến đất đá lẫn than trong tất cả các khâu (nguồn đầu vào chế biến, sản phẩm sau chế biến, vận chuyển, kho bãi...).