Ngành giao thông - một năm 'gập ghềnh'

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn với các ngành kinh tế. Đối với ngành giao thông vận tải còn đặc biệt hơn vì đại dịch COVID-19 tác động trực tiếp đến lĩnh vực này.

Chỉ tính riêng các đợt giãn cách xã hội, hàng không, đường bộ, đường sắt… đều ngừng hoạt động đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các giải pháp của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải cơ bản hoàn thành một số mục tiêu đề ra.

Hàng không thiệt hại nặng nề từ COVID-19

Chú thích ảnh
Điểm báo hành khách giữ khoảng cách phòng, chống dịch COVID-19 tại các lối vào xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: TTXVN phát

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, ngành hàng không Việt Nam và thế giới đã trải qua năm 2020 đầy "sóng gió" trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19, trở thành một năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2020, doanh thu của ngành hàng không toàn cầu sụt giảm 60%, thua lỗ hơn 118 tỷ USD. Trong khi đó, ngành hàng không Việt Nam được dự báo mức thiệt hại lên đến hàng tỷ USD.

Liên tục dùng từ "bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng", đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận "lỗ nặng nề". Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho hay, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay. Riêng Vietnam Airlines doanh thu giảm hơn nữa, số lỗ năm nay dự kiến khoảng từ 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Đai diện đơn vị thành viên của Vietnam Airlines là Jetstar Pacific (từ tháng 7/2020 đổi tên là Pacific Airlines), cho biết, cả năm nay hãng ước lỗ khoảng 1.600 tỷ đồng.

Đang tăng trưởng đạt bình quân trên 30%, nhưng năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm Vietjet gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, hãng này cần từ 7.000 - 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ kinh doanh. Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho hay, mặc dù khó khăn, hãng vẫn cố gắng duy trì việc làm cho 6.000 người lao động. Vietjet Air đã đưa ra nhiều giải pháp; trong đó, để tăng cường nguồn lực tài chính, hãng đã chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tích luỹ trước đó. Hãng cũng mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các dịch vụ phụ trợ, thẻ bay Power Pass…

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhận xét, với chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ là "phải hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân" nên các doanh nghiệp vận tải hàng không trong nhiều tháng đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng là vận chuyển hành khách để phục vụ cho chủ trương "giãn cách xã hội", "khoanh vùng dập dịch". Trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có nhiều cố gắng để vượt qua những tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có những chính sách hỗ trợ như giảm và kéo dài thời gian ưu đãi thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm phí, lệ phí và các chi phí dịch vụ cảng hàng không… để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi trở lại.

Tương tự như ngành hàng không, dịch COVID-19 từ đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng hành khách và hàng hóa của ngành. Các đợt mưa lũ tại miền Trung liên tiếp gần đây làm tuyến đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn, chia cắt một thời gian cũng khiến ngành thiệt hại nặng nề về hạ tầng, sụt giảm mạnh doanh thu cả về vận tải hàng hóa và hành khách.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử, giống như một cơ thể đã già nua, yếu đuối lại mang trọng bệnh. Ngành đường sắt dự kiến lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Để giải quyết khó khăn, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Bộ Tài chính về giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét miễn, giảm hơn 200 tỷ đồng phí sử dụng hạ tầng đường sắt năm 2020.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, ngành đường sắt đã tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, thu hút khách đi tàu, điều chỉnh giá vé linh hoạt theo từng cung chặng…Về tổ chức chạy tàu, giảm bớt tàu khách không hiệu quả, tăng cường tàu hàng chuyên tuyến… Đặc biệt, VNR đẩy mạnh tìm kiếm nguồn hàng mới, khai thác chạy tàu hàng liên vận quốc tế nhằm giữ được sản lượng vận tải hàng hóa ổn định…

Đường bộ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hành khách… Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, thiệt hại của ngành đường bộ do phải giãn cách xã hội cũng rất lớn, khó tính toán được con số cụ thể.

Trong bức tranh khó khăn chung đó, hoạt động của ngành hàng hải được xem là có nhiều khởi sắc hơn mặc dù cũng bị ảnh hưởng so với các năm trước. Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, năm 2020, ngành hàng hải cũng ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng nhờ nhiều giải pháp đưa ra mà tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, ước đạt hơn 689 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Riêng khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2020 ước đạt hơn 22 triệu Teus, tăng tới 13% so với năm trước.

Điểm sáng về giải ngân và các dự án trọng điểm

Chú thích ảnh
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) có điểm khởi đầu từ ngã tư Mai Dịch - Phạm Văn Đồng, kết nối đến cầu Thăng Long, dài hơn 5 km. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2021, một trong những giải pháp mà Chính phủ đưa ra là quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện chủ trương này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn; trong đó có việc lãnh đạo bộ họp hàng tuần để kiểm điểm tiến độ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là giải pháp quy trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị của bộ. Nhờ đó, Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua luôn đứng trong nhóm đầu về giải ngân các nguồn vốn.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, gồm: 36.122 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 3.704 tỷ đồng kế hoạch kéo dài. Tính đến hết tháng 12, Bộ Giao thông Vận tải đã cơ bản hoàn thành kế hoạch giải ngân được giao.

Chia sẻ về kết quả giải ngân đạt kết hoạch đề ra, ông Nguyễn Danh Huy cho hay, bộ đã tích cực phối hợp với các cơ quan, địa phương để tiếp tục triển khai thi công các gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tích cực hoàn thiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP; tập trung triển khai và hoàn thành dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, dự án nâng cấp, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài...

Chia sẻ về các dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải khởi công trong năm 2020, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, tính đến hết tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng, đưa vào khai thác 40 dự án.

Các dự án khởi công đáng chú ý như kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1... Các dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đáng chú ý như cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội); cao tốc khu vực miền Tây (tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi); dự án nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1); dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoàn thành giai đoạn 1.

Cũng trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công đồng loạt các dự án trọng điểm; trong đó, đáng chú ý là dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Các dự án này góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy ngành Giao thông Vận tải đã có một số kịch bản dự kiến để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong những năm tới nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, các kịch bản đưa ra cũng phải thay đổi tùy theo diễn biến kiểm soát dịch COVID-19. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn nhưng các ngành, các doanh nghiệp càng phải cầm cự, duy trì "năng lượng" để vươn lên mạnh mẽ khi cơn bão dịch bệnh đi qua.

Quang Toàn (TTXVN)
Năm 2021, ngành giao thông phấn đấu giải ngân 46.005 tỷ đồng vốn đầu tư công
Năm 2021, ngành giao thông phấn đấu giải ngân 46.005 tỷ đồng vốn đầu tư công

Năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân khoảng 39.826 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn ODA được giao là 6.131 tỷ đồng để giải ngân cho 47 dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN